KHI COVID-19 “GHÉ THĂM” NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ năm - 13/08/2020 22:04
Tính đến nay nước ta đã có hơn 20 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, trong đó trẻ nhất là 33 tuổi, già nhất 87 tuổi. Những bệnh nhân tử vong hầu hết đều mắc các bệnh nền ở giai đoạn nặng như suy thận, tăng huyết áp, suy tim…đặc biệt có đến 10 bệnh nhân có bệnh nền là Đái tháo đường (ĐTĐ).
Tính đến nay nước ta đã có hơn 20 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, trong đó trẻ nhất là 33 tuổi, già nhất 87 tuổi. Những bệnh nhân tử vong hầu hết đều mắc các bệnh nền ở giai đoạn nặng như suy thận, tăng huyết áp, suy tim…đặc biệt có đến 10 bệnh nhân có bệnh nền là Đái tháo đường (ĐTĐ).
     Với người bệnh ĐTĐ, cho đến nay chưa có số liệu rõ ràng nào cho thấy đối tượng này dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn người bình thường. Vấn đề của người bệnh ĐTĐ khi Covid-19 “ghé thăm” là dễ bị các biến chứng nặng hơn và kết quả điều trị kém hơn, dễ tử vong hơn.
     Một nghiên cứu trên 138 bệnh nhân Covid tại Trung Quốc cho thấy, trong số bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19, chỉ có 5,9% bệnh nhân ĐTĐ nhưng lại chiếm tới 22,2% số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Nghiên cứu khác trên 44.672 bệnh nhân Covid-19 tại nước này cũng cho thấy tỷ lệ tử vong chung là 2,3% nhưng tỷ lệ tử vong ở người bệnh ĐTĐ là 7,3% (tăng gấp 3,2 lần).
 
20190530 094852 209348 do duong huyet huyet

     Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân ĐTĐ dễ bị biến chứng nặng và tử vong theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai là do hệ miễn dịch ở bệnh nhân ĐTĐ yếu, khó đánh bại virus, làm kéo dài quá trình hồi phục. Cùng với đó, bệnh nhân có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… làm bệnh nặng thêm. Đường huyết cao cũng có thể là môi trường tốt cho virus phát triển.
     Cũng theo BS. Bảy, nguy cơ bệnh trở nặng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 không khác biệt giữa ĐTĐ tuýp 1 và tuýp 2 nhưng có thể khác biệt tùy theo tuổi của bệnh nhân và có hay không các biến chứng của ĐTĐ. Tuổi cao (> 70 tuổi), kiểm soát đường huyết kém hoặc để đường huyết dao động nhiều, có các biến chứng mạn tính (nhất là biến chứng tim mạch, biến chứng thận…) là những yếu tố dự báo bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
     Kiểm soát đường huyết tốt là việc vô cùng quan trọng với người bệnh ĐTĐ, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Giãn cách xã hội có thể khiến người bệnh căng thẳng, lo lắng và điều này vô cùng nguy hại. Người bệnh ĐTĐ cũng có thể ít đi lại, ít tập thể dục, ăn uống kém và ít trao đổi về tình hình bệnh với bác sĩ hơn. Tất cả những điều này có thể dẫn đến kiểm soát đường huyết kém ở bệnh nhân ĐTĐ và các chuyên gia khuyên người bệnh cần tìm cách khắc phục.
     Theo các chuyên gia y tế, dường như những yếu tố nguy cơ gây hại cho bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ tuýp 2 là có các bệnh đồng mắc đi kèm. Một trong những nguy cơ đáng kể này là thừa cân, vì vậy cần có chế độ ăn uống tiết chế và tập thể dục đều đặn. Cần nỗ lực để giảm cân nặng xuống gần mức bình thường và tăng dự trữ hô hấp. Hạn chế đi lại tạo điều kiện giúp tự chăm sóc và tuân thủ thói quen giúp giảm nguy cơ liên quan đến Covid-19 và giúp có sức khỏe trong tương lai.
     Không chỉ người mắc bệnh ĐTĐ, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện người không mắc bệnh ĐTĐ nhưng lượng đường trong máu tăng cao do căng thẳng cũng dễ tử vong vì Covid-19 hơn.
     Nghiên cứu của Bệnh viện Union và Đại học Y khoa Tongji ở Vũ Hán trên hơn 600 bệnh nhân trong độ tuổi trung bình là 59. Các nhà nghiên cứu đặc biệt xem xét chỉ số đường trong máu của từng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của viêm phổi liên quan đến Covid-19 và kết quả của bệnh nhân về mức độ nghiêm trọng của bệnh và tử vong. Không ai trong số các bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước đó. Tổng cộng có 114 bệnh nhân đã tử vong trong bệnh viện. Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân thuộc nhóm đường huyết rất cao có nguy cơ tử vong do Covid-19 tăng gấp 2,3 lần so với những người có chỉ số đường huyết thấp nhất. Ngay cả những người có chỉ số cho thấy tiền ĐTĐ có nguy cơ tử vong cao hơn 71% . Tỷ lệ mắc các biến chứng nguy hiểm của Covid-19 cũng tăng gấp 4 lần ở những người thuộc nhóm đường trong máu cao và tăng gấp 2,6 lần ở những người có lượng đường trong máu “tiền tiểu đường”.
     Trong khi bị hạn chế đi lại, sức khỏe tinh thần sẽ xấu hơn đối với nhiều người. Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực liên lạc với nhau một cách tốt nhất để giúp giảm căng thẳng, nhất là đối với người bệnh ĐTĐ để giúp kiểm soát tốt đường huyết; cùng với đó là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để phòng ngừa Covid-19.
                                                                   Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây