Giải đáp những câu hỏi thưởng gặp về tiêm vắc xin phòng Covid-19
Thứ sáu - 24/09/2021 23:49
1. Lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đối với sức khỏe như thế nào?
Khi mầm bệnh bất kỳ (vi khuẩn, virus...) tấn công cơ thể con người, xâm nhập vào máu, tế bào, mô cơ thể... sinh sôi nảy nở, hay nói một cách khác mầm bệnh đã lây nhiễm vào cơ thể con người thì gây ra bệnh tật. Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta sẽ nhận diện tác nhân lạ và khởi động các đáp ứng (miễn dịch dịch thể cũng như miễn dịch tế bào) để chống lại các tác nhân lây nhiễm đó đồng thời “ghi nhớ” tác nhân lạ để tạo ra kháng thể sẵn sàng chống lại tác nhân lạ đó nếu mắc phải trong tương lai. Trên nguyên lý này, vaccine là một chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch thu được chủ động đối với một bệnh truyền nhiễm cụ thể. Vaccine thường chứa tác nhân giống vi sinh vật gây bệnh và thường được tạo ra từ các dạng vi sinh vật đã bị làm suy yếu, giảm độc lực hoặc làm chết, từ độc tố hoặc từ một trong các protein bề mặt của nó để chủ động đưa vào cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch nhận diện và kích thích hệ thống miễn dịch, sau khi coi tác nhân là một mối đe dọa, sẽ tiêu diệt nó và sẽ tiếp tục nhận ra và tiêu diệt bất kỳ vi sinh vật nào có liên quan đến tác nhân đó mà nó có thể gặp trong tương lai. Vaccine phòng Covid-19 cũng hoạt động trên nguyên lý cơ bản này.
Sau khoảng hơn 2 tháng kể từ khi ca nhiễm SARS-COV-2 (Virus gây dịch Covid-19) được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc (tháng 11/2019) thì các nhà khoa học trên thế giới đã công bố nghiên cứu về vaccine phòng Covid-19. Cho đến nay, Tổ chức y tế thế giới đã phê duyệt khẩn cấp 6 loại vaccine. Tại Việt Nam, 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. bao gồm: AstraZeneca, Comirnarty (Pfizer), Spikevax (Moderna), Verocell (Sinopharm), Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), vaccine Janssen và gần đây là vaccine Hayat-Vax và vaccine Abdala.
Dù vắc-xin ngừa COVID-19 được phát triển nhanh chóng, nhưng tất cả các bước đều được thực hiện đủ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin. Cơ sở để phát triển vắc-xin COVID-19 là những nghiên cứu khoa học có từ hàng thập kỷ trước. Do đó, các vắc-xin COVID-19 không phải là vắc-xin thử nghiệm. Chúng đã trải qua tất cả các giai đoạn bắt buộc của thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm và giám sát diện rộng đã chứng minh rằng các vaccine này là an toàn và hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc xin phòng COVID-19 là điều cần thiết.Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc. Việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc xin COVID-19 hiện nay là do điều kiện dịch bệnh nên chưa đủ thời gian để theo dõi được vắc xin trong thời gian dài như thông lệ. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính an toàn của vắc xin vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vắc xin phòng COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.
Mỗi loại vaccine có cơ chế sinh miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh Covid-19 khác nhau, có hiệu quả bảo vệ khác nhau nhưng một bằng chứng y học cho đến nay đã khẳng định l điều là: vaccine làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong khi mắc Covid-19. Bằng chứng mới nhất đang cho thấy rằng mọi người được bảo vệ tốt hơn khi được tiêm chủng đầy đủ so với sau khi bị nhiễm COVID-19.
Với chủng virus đột biến Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn và nhanh hơn so với các biến thể trước đó của virus gây bệnh COVID-19, có thể gây tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đây ở những người chưa được tiêm chủng, thì:
- Vaccine vẫn tiếp tục làm giảm nguy cơ nhiễm chủngvirus gây bệnh COVID-19 ở người, bao gồm cả biến thể này.
- Vaccine vẫn tiếp tục có hiệu quả cao đối với việc phòng ngừa nhập viện và tử vong, kể cả đối với biến thể này.
-Thời gian truyền bệnh ở những người đã được tiêm chủng và bị nhiễm đột phá từ biến thể này có vẻ ngắn hơn.
Đại dịch Covid-19 đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ gần 2 năm nay, gây tổn thất to lớn về nhân mạng, sức khỏe con người và làm suy sụp ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp trong tương lai gần. Tổ chức y tế thế giới đưa khuyến cáo nhanh chóng tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cũng xác định chìa khóa vàng để ngăn chặn và đẩy lùi dịch “Vaccine - 5K và công nghệ”! Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm nhanh nhất”. Hãy chủ động phòng ngừa sớm nhất khi có thể. Việc lựa chọn, trì hoãn tiêm vaccine sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch còn đang lưu hành phức tạp trong cộng đồng, ảnh hưởng không chỉ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn là nguy cơ cho sức khỏe gia đình và cộng đồng.
2. Sau khi tiêm mũi 1 hoặc tiêm đầy đủ 2 mũi, người dân cần tuân thủ các yêu cầu gì để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng?
Tùy vào cơ chế tác động, khả năng sinh miễn dịch của mỗi vaccine có khác nhau, chẳng hạn:
- Với AstraZeneca: Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 76%. Đồng thời loại vaccine này cũng làm giảm 48,7% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Alpha; giảm 30% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Delta. Sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm sẽ đạt 82%, đồng thời giúp giảm 74.5% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Alpha; giảm 67% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Delta.
- Với Pfizer: Hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi 1 đạt 52%, đồng thời giúp giảm 47.5% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Alpha; giảm 35.6% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Delta. Sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm thì đạt 95% hiệu quả phòng bệnh, đồng thời giúp giảm 93.7% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Alpha; giảm 88% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng đối với biến chủng Delta.
- Với Moderna: Sau tiêm, cơ thể bắt đầu có miễn dịch sau 14 ngày từ mũi 1. Hiệu quả đạt được là 51,8%. Khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2, hiệu quả phòng bệnh đạt 94.1%. Ở người từ 65 tuổi trở lên nếu được tiêm đủ 2 mũi vaccine Moderna sẽ giúp giảm 86.4% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng.
- VeroCell: Cục Quản lý Dược Trung Quốc công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%. Vaccine này được Tổ chức y tế thế giới xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp và ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%...
Một người được xem là tiêm vaccine đầy đủ theo Bộ Y tế là người đã hoàn thành 2 mũi tiêm và sau thời điểm tiêm mũi thứ 2 tối thiểu 14 ngày. Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng: không có vaccine nào tạo ra sự bảo vệ 100% cho với người được tiêm đối với tác nhân gây bệnh, Vaccine phòng Covid19 cũng không ngoại lệ, vì thời gian theo dõi ngắn (trong vòng 1,5 năm) và các biến chủng mới của Covid-19 liên tục được phát hiện, giới khoa học chưa có đầy đủ nghiên cứu về hiệu quả lâu dài của vaccine nên người dân không vì đã tiêm vaccine mà chủ quan, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Khoảng cách”, thường xuyên rèn luyện thể lực và tăng cường dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe và có thể chung sống an toàn với dịch.
3. Hiện nay, một số địa phương áp dụng “thẻ xanh Covid-19” cho người đã tiêm vắc-xin. Sở Y tế thành phố cũng vừa có văn bản hướng dẫn việc ra, vào thành phố giai đoạn này; trong đó có một số quy định áp dụng riêng cho cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin. Vậy, với những người hoạt động trong thành phố Đà Nẵng, ngành y tế có kế hoạch triển khai thẻ xanh (hoặc chính sách) ưu tiên cho người tiêm đủ liều vắc-xin hay không?
Hiện nay khái niệm “thẻ xanh Covid-19” được một số địa phương cân nhắc sử dụng như là điều kiện tham gia vào các hoạt động ngoài xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn nới lỏng giãn cách tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 được xem là 1 tiêu chí quan trọng. Nhìn chung, “thẻ xanh Covid-19” chưa có sự chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất toàn quốc bởi cơ quan có thẩm quyền.
Gần đây nhất ngày 20/9/2021, Sở Y tế có văn bản số 4427/SYT-NVY V/v hướng dẫn việc ra, vào thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, theo đó có đưa tiêu chí tiêm vaccine vào tình huống xem xét biện pháp cách ly tế tập trung hoặc cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú đối với người về từ địa phương có dịch. Thành ủy, UBND thành phố cũng đang cân nhắc, lắng nghe ý kiến từ các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt giới chuyên môn để có những quyết sách hợp lý về điều kiện để đảm bảo an toàn tham gia các hoạt động ngoài xã hội, nhằm nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gần 2 năm qua. Trước mắt, kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được liên thông với phần mềm khai báo y tế của thành phố Đà Nẵng do Sở Thông tin truyền thông chủ trì thực hiện. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân, việc dùng kết quả tiêm vaccine để làm giấy thông hành cần xem xét thận trọng vì nhiều lẽ, trong đó có yếu tố nhân văn: những người vì lý do nào đó, đặc biệt ở thời điểm nguồn cung vaccine còn thiếu hụt như hiện nay, chưa được tiêm vaccine thì không đồng nghĩa với việc bị hạn chế các hoạt động ở cộng đồng.
Thành phố đang tiếp tục triển khai Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 21/9/2021 tiếp tục xét nghiệm SARS-COV-2 để giám sát, sàng lọc Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ nay cho đến cuối năm 2021 đồng thời đẩy nhanh tốc độ và diện bao phủ vaccine phòng Covid-19 với mục tiêu cơ bản đến tuần đầu tháng 10/2021 bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên. Thành phố cũng tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vaccine cũng như tìm kiếm các nguồn vaccine hợp pháp khác để tổ chức tiêm chủng hướng đến đạt miễn dịch cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng.
Nguồn:
- Bộ Y tế.
- CDC Hoa Kỳ.
- “Expanded Practice Standards” (PDF). Iowa Administrative Code. 2019.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...