6 2 banner2 1

BỆNH VÕNG MẠC DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Thứ tư - 01/07/2020 05:07
Trong các biến chứng mạn tính của Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ), biến chứng mắt cũng thường xảy ra, trong đó bệnh lý võng mạc cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người ĐTĐ.
Trong các biến chứng mạn tính của Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ), biến chứng mắt cũng thường xảy ra, trong đó bệnh lý võng mạc cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người ĐTĐ.

     Bệnh VMĐTĐ có thể gây mù, tuy nhiên phần lớn trường hợp có thể phòng tránh được. Bệnh thường không có triệu chứng gì trong thời kỳ đầu, do đó khám mắt định kỳ là cách duy nhất để xác định tổn thương trên võng mạc. Để giữ thị lực tốt cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố: đường huyết, huyết áp, kiểm soát lượng mỡ trong máu cũng như khám mắt định kỳ và chuyển tuyến chữa trị kịp thời.
     Tất cả bệnh nhân Đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 1, tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ đều có nguy cơ bị VMĐTĐ. Nếu bệnh nhân có các yếu tố sau đây thì tỷ lệ bị biến chứng lên võng mạc sẽ cao hơn:
- Không kiểm soát tốt đường huyết: Ở bệnh nhân ĐTĐ, chỉ số đường huyết rất quan trọng và thường phải được kiểm soát chặt chẽ, có thể bằng thuốc uống hoặc thuốc chích (insulin). Nếu đường huyết quá cao sẽ tăng tỷ lệ tổn thương đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, trong đó có võng mạc.
- Thời gian mắc bệnh lý đái tháo đường: Thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng làm tăng tỷ lệ biến chứng lên võng mạc.
- Mang thai: Ở bệnh nhân bị ĐTĐ, việc mang thai có thể làm gia tăng chỉ số đường huyết. Nếu không phát hiện có thể làm tăng tỷ lệ mắc biến chứng VMĐTĐ.
- Các bệnh lý đi kèm: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thiếu máu…
- Hút thuốc lá.
- Thừa cân/Béo phì.
 
0107201


Dấu hiệu khi mắc bệnh VMĐTĐ
Ở giai đoạn sớm, bệnh VMĐTĐ thường không có biểu hiện gì cả. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể thấy mắt mờ dần. Ở giai đoạn muộn, bệnh có thể gây đau nhức mắt do gây ra cườm nước (glaucoma).
Khi người bệnh ĐTĐ có các triệu chứng nhìn mờ; tầm nhìn thay đổi; có vùng tối trong tầm nhìn; tầm nhìn ban đêm kém; tầm nhìn màu bị suy giảm; mất một phần hoặc toàn bộ thị lực…  thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ.
 
0107202


Các biện pháp ngăn ngừa bệnh lý VMĐTĐ
     Để phòng ngừa biến chứng VMĐTĐ, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Kiểm soát đường huyết thật tốt: VMĐTĐ là hậu quả của tình trạng đường huyết cao kéo dài. Do vậy, việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp hạn chế biến chứng lên võng mạc. Để đạt được điều này, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị đái tháo đường và tái khám thường xuyên với bác sĩ nội tiết.
- Điều trị các bệnh lý đi kèm: như tăng huyết áp, suy thận, thiếu máu, rối loạn mỡ máu… Kiểm tra đường huyết định kỳ khi mang thai.
- Ngưng hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng, gia tăng tập thể dục thể thao (tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần).
- Khám kiểm tra đáy mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý này, nếu phát hiện có bất thường ở mắt như mờ mắt thì cần khám mắt ngay.
- Nếu đã mắc VMĐTĐ thì cần tuân thủ chế độ điều trị và lịch tái khám với bác sĩ nhãn khoa.
     Biến chứng mắt, đặc biệt các bệnh lý võng mạc là nguyên nhân chính gây mù lòa cho những người ĐTĐ lâu năm. Điều nguy hiểm là các biến chứng võng mạc mắt thường ít có dấu hiệu để bệnh nhân cảm nhận, và khi có rối loạn thị giác thì đã muộn. Tùy theo tổn thương và giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng những biện pháp khác nhau như: dùng tia laser; phẫu thuật và điều trị bằng thuốc.
     Đôi mắt rất dễ bị tổn thương khi bị ĐTĐ, nhưng  những biến chứng này có thể ngăn chặn, giảm thiểu hay điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm.
Minh Hiền



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây