Phát hiện sớm, điều trị kịp thời - yếu tố tiên quyết giúp hạn chế giảm thị lực do bệnh Võng mạc Đái tháo đường
Thứ ba - 08/06/2021 22:19
Với nhiều người bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) hiện nay, nhất là những người lớn tuổi thì nhìn mờ là vấn đề bình thường ở tuổi già. Tuy nhiên theo các bác sĩ, nhìn mờ có thể là một trong những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với bệnh nhân ĐTĐ.
Theo thống kê, người có thời gian mắc bệnh ĐTĐ từ 5 đến 10 năm có tỷ lệ mắc bệnh Võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là 50 đến 60%. Trong khi đó, con số này là 80 đến 90% và 2% có nguy cơ bị mù loà nếu thời gian kéo dài từ 10 đến 15 năm. Bệnh VMĐTĐ sẽ tăng lên 3 – 4 lần nếu có bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, suy thận, thiếu máu, mang thai,… VMĐTĐ là một biến chứng nguy hiểm
Đường máu cao kéo dài gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Biến chứng võng mạc là do tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Ban đầu có hiện tượng thoát dịch và xuất huyết nhẹ vào võng mạc, đây là giai đoạn tiền tăng sinh. Nếu thoát dịch vào vị trí hoàng điểm sẽ gây phù hoàng điểm và thị lực bị ảnh hưởng nhiều.
Tiếp theo, các mạch máu nhỏ bị tắc, làm cho đáy mắt bị thiếu máu. Khi đó, để bù lại, nhiều mạch máu nhỏ được sinh ra, đây là giai đoạn biến chứng võng mạc tăng sinh. Nhưng những mạch máu này rất yếu, dễ bị vỡ, dẫn đến xuất huyết nặng vào đáy mắt hoặc dịch kính, làm giảm thị lực rất nhiều. Sau đó các đám xuất huyết tạo thành sẹo, các sẹo có thể co kéo và dẫn đến bong võng mạc, một tổn thương gây giảm thị lực nặng nề hoặc mù hoàn toàn. Triệu chứng của biến chứng võng mạc trên bệnh nhân ĐTĐ
Bệnh VMĐTĐ là nguyên nhân gây mất thị lực phổ biến nhất đối với người bệnh ĐTĐ. Bệnh thường không có triệu chứng, tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như sau:
– Nhìn mờ, đau nhức hốc mắt
– Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
– Hình ảnh dao động
– Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
– Mất cảm nhận màu sắc
– Mù, không còn nhìn thấy gì. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là ưu tiên hàng đầu
Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng. Ở giai đoạn sớm, bệnh VMĐTĐ không có triệu chứng, do đó khám mắt là cách tốt nhất để ngăn ngừa sớm bệnh. Các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách:
Bệnh nhân ĐTĐ nên khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ
- Đối với bệnh nhân Đái tháo đường tuýp 2: khám đáy mắt ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
- Đối với bệnh nhân Đái tháo đường tuýp 1, khám đáy mắt 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ. Nếu tình trạng bệnh ổn định, nên đi khám lại sau 2 – 3 năm.
- Đối với bệnh nhân Đái tháo đường có thai, cần khám đáy mắt thường xuyên vì thai kỳ dễ làm tổn thương mạch máu ở đáy mắt.
Nếu được điều trị và theo dõi mắt đúng cách, ít nhất 90% trường hợp người mới mắc bệnh VMĐTĐ có thể thuyên giảm. Tuy nhiên cần lưu ý là điều trị sớm, tích cực có thể làm dừng hoặc hạn chế giảm thị lực mắt bị bệnh nhưng không thể làm khỏi bệnh.
Hiện nay, việc điều trị bệnh VMĐTĐ gồm có 3 phương pháp chính là laser (còn gọi là quang đông), tiêm thuốc vào trong nhãn cầu và phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân bị phù hoàng điểm, điều trị bằng tia laser có thể hồi phục phần nào thị lực. Tia laser cũng được dùng để đốt các mạch máu mọc không đúng chỗ, để giảm nguy cơ xuất huyết trong thể kính, tăng nhãn áp và bong võng mạc. Một ngày sau khi điều trị bệnh nhân có thể nhìn mờ, sau đó sẽ bớt nhưng thị trường mắt sẽ bị giảm ở vùng ngoại biên hoặc mắt sẽ nhìn kém hơn trong bóng tối.
Tiêm thuốc vào nhãn cầu có tác dụng rất tốt với phù hoàng điểm và tân mạch võng mạc, an toàn.
Phẫu thuật được chỉ định trong một số tình trạng bệnh như xuất huyết dịch kính, màng tăng sinh co kéo võng mạc,... nhằm loại bỏ máu trong buồng dịch kính, phục hồi thị lực cho mắt bệnh, hạn chế biến chứng
ĐTĐ có thể gây mù lòa mà không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, việc khám mắt định kỳ hàng năm và được theo dõi điều trị thích hợp bởi các bác sĩ chuyên khoa có thể phòng ngừa đến 95% biến chứng này. Cần đồng thời điều trị tích cực bệnh đái tháo đường và các tình trạng bệnh khác có ảnh hưởng xấu đến bệnh võng mạc đái tháo đường như tăng huyết áp, tăng lipid máu...