Xây dựng bữa ăn học đường hợp lý cho học sinh tiểu học ở các trường bán trú
Thứ hai - 02/11/2020 20:03
Hiện nay, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi còn phổ biến ở trẻ em ở nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em cũng ngày càng gia tăng đặc biệt ở các khu vực đô thị.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi còn phổ biến ở trẻ em ở nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em cũng ngày càng gia tăng đặc biệt ở các khu vực đô thị.
Suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì thường gặp ở trẻ em lứa tuổi tiểu học. Xây dựng bữa ăn hợp lý cho các em chính là một giải pháp rất hiệu quả để giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của trẻ em - những thế hệ tương lai của đất nước.
Bữa ăn học đường hợp lý cho học sinh tiểu học ở các trường bán trú là phải phối hợp nhiều loại thực phẩm và đảm bảo sự phân bố hợp lý giữa các bữa ăn ở nhà và ở trường. Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm
Cơ thể con người hàng ngày cần rất nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên không có một thức ăn nào là toàn diện và có đẩy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó phải phối hợp nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm sau đây:
1. Lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1. Vitamin B1 thường nằm ở lớp vỏ ngoài của hạt gạo, nếu gạo xay sát quá kỹ sẽ làm vitamin này giảm đi đáng kể.
2. Các loại hạt: Đậu, đỗ, vừng, lạc là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
3. Sữa và các sản phẩm từ sữa: là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.
4. Thịt, cá và hải sản: cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axit amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Các thực phẩm này thường có đủ các axit amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối.
5. Trứng và các sản phẩm của trứng: là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.
6. Củ quả màu vàng, đỏ, xanh thẫm: như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Các loại rau, quả có màu vàng đỏ có nhiều β-caroten (tiền vitamin A). Các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay có nhiều vitamin C, sắt và canxi. Cần lưu ý vitamin C sẽ bị thất thoát khi rau bị dập nát. Vì thế, nên sử dụng rau tươi, nấu xong ăn ngay là cách tốt nhất để bảo toàn lượng vitamin C trong rau. Các loại rau củ quả khác như su hào, củ cải cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.
7. Dầu ăn, mỡ các loại: là nguồn cung cấp năng lượng và các axit béo cần thiết cho cơ thể. Nên ăn phối hợp cả dầu và mỡ.
Phối hợp nguồn đạm động vật và thực vật, chất béo động vật và thực vật
Có 2 nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể là chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản) và chất đạm thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc). Bữa ăn học đường nên phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật ở tỉ lệ cân đối. Đảm bảo sự phân bố hợp lý giữa các bữa ăn ở nhà và ở trường
Đối với những trẻ học ở trường tiểu học không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ: Cần đảm bảo cung cấp tối thiểu cho trẻ đủ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học. Bữa sáng, bữa trưa cung cấp khoảng 35% và bữa tối cung cấp 30% tổng nhu cầu năng lượng của cả ngày.
Đối với những trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ có thể phân bố thành 4 bữa: Năng lượng của bữa sáng từ 25-30%, năng lượng của bữa trưa từ 30-40%, năng lượng của bữa phụ từ 5-10%, năng lượng của bữa tối từ 25-30% tổng nhu cầu năng lượng cả ngày. Không nên ăn mặn. Nên sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức ăn
Cơ thể chỉ cần 1 lượng rất ít muối. Không nên ăn mặn (trẻ 6-11 tuổi sử dụng dưới 4g muối/ngày). Nên sử dụng muối I-ốt trong chế biến món ăn. Hạn chế tiêu thụ đường
Trẻ em 6-11 tuổi nên sử dụng tối đa dưới 15g đường mỗi ngày. Lượng đường sử dụng trong bữa trưa không nên vượt quá 6,2g. Sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương
Nhà trường nên sử dụng các nguồn thực phẩm sạch, an toàn có nguồn gốc rõ ràng để chế biến thức ăn cho trẻ. Nên sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có của địa phương. Uống đủ nước chín hàng ngày
Trẻ 6-11 tuổi cần uống trung bình từ 1300ml-1500ml nước tương đương với 6-8 ly nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa tốt.
Nước uống tốt nhất cho trẻ là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước chín (đun sôi để nguội). Nên có bình nước uống cho học sinh ở trong lớp và sân chơi của trường
Ngoài nước lọc, nên sử dụng nước trái cây, sữa không bổ sung thêm đường, nước rau luộc và nước canh.
Các loại nước trẻ nên hạn chế sử dụng: Hạn chế cho trẻ uống các loại nước có gas, nước ngọt, các loại đồ uống có nhiều đường vì các loại nước này có nhiều đường, giàu năng lượng, nghèo dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em. Không nên bán các loại nước này ở căng tin trường học. Xây dựng thực đơn tại trường học
- Thực đơn phải có trên 10 loại thực phẩm, trong đó:
+ Đa dạng về nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa) và thực vật (đậu đỗ, lạc, vừng). Thực đơn bữa trưa có 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nên có 1 loại thực phẩm nguồn hải sản.
+ Đa dạng về các loại rau, củ và quả chín: 3-5 loại.
+ Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn: Xúc xích, lạp sườn, giò, chả lụa...
+ Hạn chế sử dụng muối và đường.
- Cấu trúc của bữa trưa và bữa phụ:
+ Bữa trưa: Món mặn, món xào, món canh, cơm và quả chín tráng miệng.
+ Bữa phụ: Sữa và chế phẩm sữa. Nên sử dụng sữa không đường hoặc sữa ít đường.