Sau nhiều nỗ lực, các đơn vị, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã tính toán được số liệu ban đầu liên quan đến phát thải các loại rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở triển khai các giải pháp phù hợp để giảm ô nhiễm trong thời gian đến.
Mỗi năm thải ra 80.000 tấn rác thải nhựa
Những năm gần đây, khái niệm ô nhiễm trắng không còn xa lạ. Đây là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi tên loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Qua các kết quả thống kê, túi nilon là thành phẩm chính, đối tượng trực tiếp của ô nhiễm rác thải nhựa, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Theo TS. Phạm Ngọc Bảo (Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) tại Nhật Bản), qua kết quả phân tích thành phần và chạy mô hình (phần mềm) tiên tiến đã tính ra kết quả là túi nilon chiếm 48,4% trong thành phần rác thải nhựa xả ra môi trường; 18% là màng chất dẻo; 7,6% là muỗng nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa... từ dịch vụ ăn uống dùng một lần; 4% là xốp nhựa; 7,8% là các loại chai nhựa, chai đựng đồ uống... Do các loại màng chất dẻo có đặc tính gần giống túi nilon nên có thể xem nilon là mục tiêu, đối tượng chính trong giải pháp cần phải giảm thiểu, chống ô nhiễm.
TS. Phạm Phú Song Toàn (giảng viên ngành Công nghệ môi trường của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) thông tin, qua kết quả nghiên cứu, mỗi năm, tại thành phố Đà Nẵng thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa, tương đương với khối lượng rác thải nhựa do một người dân thải ra 0,19kg/ngày. Các hộ gia đình ở căn hộ riêng, chung cư xả thải túi nilon đến 11.198 tấn/năm, màng chất dẻo các loại 4.587 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 800 tấn/năm, xốp nhựa là khoảng 700 tấn/năm. Rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 500 tấn/năm.
Trong khi đó, hoạt động từ các văn phòng, hoạt động vận chuyển, kho bãi, dịch vụ ăn uống, lưu trú, bán lẻ, bán buôn và các dịch vụ khác phát thải khối lượng túi nilon đến 20.019 tấn/năm, màng chất dẻo các loại khoảng 7.525 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 2.000 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 1.800 tấn/năm và rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn, uống khoảng 4.500 tấn/năm...
Mặc dù thành phố nỗ lực thu gom chất thải rác sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa, nhưng khối lượng chất thải nhựa xả bừa bãi ra môi trường khoảng 3.218 tấn/năm, tương đương 8g/người/ngày (khoảng 2 túi nilon hoặc 1 chai nhựa nhỏ)... Hiện có 85% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh được chuyển đến bãi rác Khánh Sơn, chỉ có 6,2% khối lượng nhựa được phân loại để tái chế, 8% chất thải nhựa không được kiểm soát trong môi trường, có khả năng sẽ gây ra thiệt hại cho môi trường và hệ sinh thái.
Dự đoán, mỗi năm có đến 5.692 tấn rác thải nhựa, tương đương 7,2% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh được giữ lại trên đất liền hoặc trong các cống, rãnh, dễ dẫn đến tắc nghẽn cống thoát nước. Theo thời gian, nếu không có các hoạt động vệ sinh, khối lượng rác thải nhựa này sẽ phân hủy và phân rã thành vô số vi nhựa với nhiều loại, gây ô nhiễm môi trường xung quanh...
Đẩy mạnh các giải pháp để giảm tình trạng ô nhiễm nhựa
Trước thực trạng trên, TS. Phạm Phú Song Toàn khuyến nghị: “Ô nhiễm do túi nilon là thực trạng đáng lo ngại ở Đà Nẵng, do đó, thành phố cần có các biện pháp hiệu quả để xử lý các sản phẩm túi nilon và làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt là có biện pháp để kéo giảm tình trạng xả rác bừa bãi, giảm nạn đổ rác trái quy định; đồng thời tăng cường tái chế nhựa, cải thiện quản lý chất thải rắn tổng hợp và thúc đẩy các hoạt động 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực phi chính thức...”.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thời gian qua, các cấp hội đã thực hiện mô hình “dùng cặp lồng đi mua thức ăn”, “phát giỏ hoặc túi sinh thái để đi chợ” nhằm thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần với số lượng hơn 800 cặp lồng, hơn 3.000 giỏ hoặc túi sinh thái... và vận động 20 nhóm bếp ăn tình thương không sử dụng hộp xốp khi phát thức ăn. Bên cạnh đó, vận động hơn 200 hộ gia đình phụ nữ trồng gần 4.000 cây chuối để cung cấp lá cho tiểu thương bán rau tại các chợ; hỗ trợ 1.300 gốc cây chuối cho các hộ để nhân rộng mô hình...
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thông tin, hiện nay, sở chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các dự án hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực, kinh nghiệm và kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý rác thải nhựa.
Thực hiện chủ trương của thành phố và của Ngành, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa; Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; Việc giảm thiểu chất thải nhựa phải được đưa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; Thủ trưởng đơn vị tổ chức ký cam kết với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa; đồng thời phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị./.