PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Thứ năm - 24/06/2021 22:42
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hầu hết các trẻ nhỏ phải ở tại nhà trong thời điểm này với kỳ nghỉ hè “đặc biệt’ hơn mọi năm - các hoạt động vui chơi, giải trí chủ yếu diễn ra tại nhà. Tuy nhiên, không gian của mỗi ngôi nhà có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ, nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc, tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ khi vui chơi. Vì vậy, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, đồng thời hướng dẫn trẻ chủ động phòng chống tai nạn thương tích.
Phòng tránh vật sắc nhọn cắt, đâm
Trẻ nhỏ rất thích tiếp xúc với mọi vật nên có nguy cơ cao bị các vật sắc nhọn cắt, đâm vào người. Người chăm sóc trẻ nên hết sức chú ý:
- Để lên cao, an toàn, hoặc có giá treo ngoài tầm với của trẻ các vật dụng sắc nhọn trong gia đình như dao, kéo, rìu, cưa, cung nỏ, liềm, …
- Không cho trẻ chơi với các vật dụng sắc nhọn trong gia đình hoặc chơi ở nơi có nhiều vật dụng sắc nhọn xung quanh như mảnh kính vỡ, đá nhọn, …
* Sơ cấp cứu:
Nhanh chóng rửa sạch, sát trùng và cầm máu vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Phòng tránh hóc, tắc nghẹn đường thở
Trẻ nhỏ rất dễ bị ngạt và tắc đường thở khi nuốt hoặc nhét các vật gây tắc đường thở vào miệng, mũi. Để phòng tránh, người chăm sóc trẻ cần:
- Cho trẻ ăn thức ăn đã được nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt.
- Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như đồng xu, kim băng, cúc áo, hạt trái cây, lạc (đậu phộng), …
- Khi ăn cơm, ăn bột, không để trẻ ngả đầu về phía sau và không để trẻ nhỏ vừa ăn vừa cười đùa.
- Dạy trẻ không nên chơi trò dùng túi ni lông, chăn, gối để chụp lên đầu.
Sơ cấp cứu:
- Nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ.
- Để trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi bàn, đầu thấp hơn cơ thể.
- Vỗ nhiều lần vào lưng giữa hai vai trẻ để dị vật bật ra.
- Nếu trẻ bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt miệng-miệng hoăch miệng-mũi và chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Phòng tránh ngộ độc
Người chăm sóc trẻ cần:
- Cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, thuốc chữa bệnh, bình xịt muỗi, …
- Hướng dẫn trẻ ăn - uống sạch, không ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu, nấm lạ, …
- Không sử dụng các vật chứa hóa chất để đựng đồ ăn, thức uống.
- Không sử dụng các vật đựng đồ ăn thức uống để chưa các chất khác như xăng, cồn, dầu hỏa.
Sơ cấp cứu: Nếu trẻ uống phải thuốc trừ sâu, hóa chất độc thì gây nôn ngay và chuyển trẻ tới cơ sở y tế.
Phòng tránh động vật cắn
Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
- Không cho trẻ trêu chọc các con vật nhưu chó, mèo, không phá tổ ong, …
- Dạy trẻ không chơi gần bụi rậm đề phòng rắn cắn.
- Đi ra ngoài buổi tối nên có đèn hoặc khua gậy khi đi qua bụi rậm.
- Tiêm phòng đầy đủ cho các vật nuôi như chó mèo.
Sơ cấp cứu: Rửa vết cắn bằng nhiều nước và xà phòng, nếu cần có thể sử dụng bất cứ loại nước sạch có sẵn rồi chuyển trẻ tới cơ sở y tế.
Phòng tránh điện giật
Điện giật rất nguy hiểm vì gây bỏng, tổn thương thần kinh và dễ gây chết người. Người chăm sóc trẻ cần:
- Để ổ điện lên cao, ngoài tầm với của trẻ.
- Dùng ổ cắm điện có nắp đậy hoặc lấy băng dính dán kính những ổ cắm điện ít dùng đến.
- Không dùng dây điện không có phích để cắm trực tiếp vào ổ điện.
- Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đề phòng bị hở.
- Dạy trẻ không chơi gần máy thủy điện nhỏ, trạm điện, biến thế điện.
- Dạy trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống.
- Không để trẻ trèo cột điện, thả diều gần đường dây điện.
- Hướng dẫn trẻ không trú, nấp dưới gốc cây to khi trời mưa đề phòng sét đánh.
Sơ cấp cứu:
- Bằng mọi cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
- Nếu nạn nhân đã bất tỉnh phải kêu gọi mọi người giúp đỡ, tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và kiên trì. Sau đó chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Phòng tránh bỏng cho trẻ em
Trẻ em, đặc biệt từ 2-5 tuổi dễ bị bỏng vì tính hiếu động, tò mò và do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ.
Bỏng rất nguy hiểm, nếu bỏng nặng có thể để lại di chứng như sẹo, co kéo cơ, gây tàn phế suốt đời hoặc gây chết người. Người chăm sóc trẻ cần:
- Làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn.
- Để xa tầm với của trẻ các thức ăn, đồ uống mới nấu như nồi canh, nồi cám, nước sôi, phích nước nóng, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn, …
- Hướng dẫn trẻ không nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, bật lửa, xăng dầu.
Sơ cấp cứu: Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát trong vòng 20-30 phút, chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
(Phước An- Tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây