Điểm sáng nghiên cứu khoa học và đổi mới kỹ thuật ngành Y tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020–2024

Thứ sáu - 18/04/2025 21:17
Trong bối cảnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, hướng đến xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, công tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng còn được kết nối sâu rộng với hệ thống chính sách quốc gia, chương trình phát triển khoa học công nghệ của Trung ương và định hướng phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hệ sinh thái y tế đang chuyển mình cùng khoa học công nghệ
Thành phố Đà Nẵng hiện có một hệ thống y tế tương đối hoàn chỉnh, bao gồm 11 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến thành phố, 7 trung tâm y tế quận/huyện, 47 trạm y tế xã/phường, 05 đơn vị y tế không giường bệnh, 5 đơn vị lĩnh vực bảo trợ, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội cùng nhiều cơ sở y tế tư nhân và bệnh viện thuộc các bộ, ngành. Nhân lực y tế tính đến cuối năm 2024 đạt gần 12.000 người, trong đó 66,2% có trình độ đại học trở lên, với 2.495 bác sĩ, bao gồm 51 tiến sĩ và 274 bác sĩ chuyên khoa II.
Nền tảng tổ chức bài bản cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao là điều kiện quan trọng để ngành y tế thành phố triển khai hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn chuyên môn. Đây cũng chính là nền móng cho những thành tựu nổi bật trong giai đoạn vừa qua.
Nghiên cứu khoa học – Động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn
Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được hệ thống quản lý khoa học và công nghệ, t năm 2019, Ngành đã chuẩn hóa dữ liệu, tạo sở dữ liệu chuyên gia thư viện số đề tài, hỗ trợ quản khai thác thông tin khoa học công nghệ hiệu quả.
NCKH
Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác khám chữa bệnh

Các nghiên cứu khoa học cũng như sáng kiến cải tiến đều được thực hiện trực tuyến và Ngành cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu chuyên gia với hơn 100 chuyên gia trong các lĩnh vực để hỗ trợ cho công tác đánh giá nghiệm thu các đề tài này. Đồng thời, những đề tài, sáng kiến được nghiệm thu sẽ được số hóa vào thư viện số của ngành. Hiện nay đã có 1.200 đề tài cấp cơ sở và hơn 400 sáng kiến đã được lưu vào thư viện số và mọi người có thể truy cập vào đây để có được những thông tin dữ liệu về hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như sáng kiến cải tiến của ngành” BS CKII. Trần Thanh Thủy – Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết.
Từ năm 2020 đến năm 2024, toàn ngành y tế Đà Nẵng đã triển khai 994 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cùng 8 đề tài cấp thành phố do Sở Y tế chủ trì. Đặc biệt, các đề tài tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ dự phòng, chẩn đoán cho đến điều trị và phục hồi chức năng. Nhiều nghiên cứu đã góp phần làm rõ tính hiệu quả của các phương pháp lâm sàng, đổi mới mô hình tổ chức khám chữa bệnh, hoặc đánh giá hiệu quả của công nghệ y tế mới.
Một số đề tài tiêu biểu có thể kể đến như: “Nghiên cứu hiệu quả áp dụng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO) ở bệnh nhân sốc tim và sau ngừng tuần hoàn”; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát hiện phình mạch não trên phim CT mạch máu não”; “Thực trạng nhiễm vi khuẩn đa kháng và giải pháp can thiệp tại TP Đà Nẵng”; hay “Đánh giá hiệu quả ghép tế bào gốc tủy xương trong điều trị chấn thương tủy sống”.
Đáng chú ý, các kết quả nghiên cứu không chỉ được áp dụng ngay trong thực tiễn điều trị tại các cơ sở y tế mà còn được công bố tại các hội nghị khoa học quốc tế, đăng tải trên tạp chí chuyên ngành có uy tín. Tiêu biểu, báo cáo lâm sàng về kỹ thuật ECMO trong điều trị ngộ độc thuốc chẹn kênh calci nặng đã được tạp chí ATS (Hoa Kỳ) mời tham gia trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2025 tại San Francisco (Mỹ).
Sáng kiến cải tiến kỹ thuật – Hạt nhân của đổi mới sáng tạo ngành y tế
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu chính quy, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại cơ sở đã trở thành một phần không thể thiếu, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả vận hành của hệ thống y tế. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã có 229 sáng kiến được công nhận, trong đó 16 sáng kiến có tác động rõ rệt đến phạm vi toàn thành phố. Các sáng kiến tập trung vào cải tiến quy trình chuyên môn, tối ưu hóa công cụ, thiết bị, cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh nhân và nâng cao năng lực quản lý điều hành.
 
NCKH
Nhiều đề tài, sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong hoạt động khám chữa bệnh

Thành quả từ các sáng kiến cũng phản ánh qua kết quả xếp hạng của Ủy ban nhân dân thành phố: trong suốt giai đoạn 2020–2024, Sở Y tế luôn nằm trong nhóm “Xuất sắc”, có năm vươn lên vị trí thứ 3 trên 39 đơn vị.
Nhìn lại giai đoạn 2020 – 2024, có thể khẳng định rằng công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ thống y tế đô thị trong thời đại số. Từ việc chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học, ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào điều trị, cho đến thúc đẩy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại cơ sở, tất cả đều phản ánh tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết liệt đổi mới trong toàn ngành.
Những kết quả đã đạt được không chỉ giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế, mà còn khẳng định vị thế của y tế Đà Nẵng trên bản đồ y học khu vực và quốc gia. Hơn thế, đây còn là minh chứng cho sự gắn kết chặt chẽ giữa định hướng phát triển thành phố thông minh, y tế thông minh với chính sách quốc gia về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.
                                                                                          An Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây