Kiểm soát HIV từ chiến dịch K=K

Thứ năm - 30/05/2024 21:05
K=K là “Không phát hiện = Không lây truyền”, nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ không còn khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục…
HIV
K=K là “Không phát hiện = Không lây truyền”
 
Đây là bằng chứng khoa học được công bố năm 2017, đến nay đã có hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện này bao gồm các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S CDC). Việt Nam chính thức phát động chiến dịch K=K từ năm 2019. 
Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, hiện có khoảng 72% số người chẩn đoán mắc HIV được điều trị ARV (số người phát hiện được điều trị ARV), trong số đó tỉ lệ người có xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện đạt 99,4%. Việc tham gia điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ sẽ đem lại hiệu quả tốt sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và không lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Vì vậy, cần tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị, cũng như để các cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng cần phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình. 
Hiện nay, đa số bệnh nhân đều được sử dụng thuốc ARV theo phác đồ tối ưu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS là Tenofovir/Lamivudine/Dolutegravir 300/300/50 mg (Theo hướng dẫn tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS), đây là phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất trong việc khống chế tải lượng vi rút. Người có đáp ứng tốt nhất là sau 3 tháng tuân thủ điều trị sẽ có kết quả không phát hiện. Việc tuân thủ điều trị bao gồm: uống thuốc đúng giờ, đúng liều, tái khám đúng hẹn và được xét nghiệm đúng kỳ. 
HIV

Tuân thủ điều trị mang lại hiệu quả cao
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 05 đơn vị y tế đang triển khai điều trị ARV cho hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó có 01 đơn vị điều trị cho trẻ em ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng (08 trẻ).  
Các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đang cung cấp dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS:
- Bệnh viện Da Liễu thành phố Đà Nẵng, 91 Dũng Sỹ Thanh Khê, quận Thanh Khê
- Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, 402 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn
- Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, Kiệt 62 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê
- Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, 525 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu
- Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang – thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang
 
HIV
Người  bệnh  HIV đang tái khám và nhận thuốc ARV tại Phòng khám Trung tâm Y tế quận Thanh Khê

K=K là bằng chứng khoa học hết sức quan trọng, làm thay đổi cơ bản quan điểm về điều trị HIV đó là điều trị cũng là dự phòng, đồng thời nó cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người: thúc đẩy người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV chủ động đi xét nghiệm sớm hoặc xét nghiệm định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm. Đối với bệnh nhân HIV sẽ tiếp cận điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Bệnh nhân cần tiếp cận điều trị ARV càng sớm càng tốt bởi lúc đó hệ thống miễn dịch của cơ thể còn tốt, sẽ đáp ứng với thuốc tốt hơn, ít bị nhiễm trùng cơ hội hơn, sức khỏe cải thiện nhanh chóng hơn; bên cạnh đó điều trị ARV sẽ làm ức chế sự nhân lên của vi rút trong máu.
“ĐIỀU TRỊ ARV = DỰ PHÒNG HIV”.
                                                                                                  Quỳnh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây