Phòng chống dịch Sốt xuất huyết: nhìn từ câu chuyện cái quạt điều hòa và bình hoa

Thứ ba - 20/09/2022 23:22
Quạt điều hòa và cái bình hoa chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn vật dụng chứa nước khác trở thành “ổ” cho muỗi đẻ trứng, nở ra lăng quăng và phát triển thành muỗi, nhất là muỗi vằn truyền bệnh Sốt xuất huyết. Vấn đề ở đây là nhiều người dân không nghĩ rằng muỗi được sinh ra ở những nơi như vậy hoặc cho rằng chỉ cần đổ/thay nước là được chứ không phải cọ rửa.
          Đi xử lý ổ dịch nhỏ Sốt xuất huyết (SXH), y sĩ Phạm Lê Hùng – Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Liên Chiểu thấy nhà một hộ dân đang sử dụng quạt điều hòa. Anh liền nhắc nhở chủ nhà chú ý vệ sinh quạt thường xuyên để tránh muỗi vào đẻ trứng.
       Hai ngày sau, khi quay lại cùng tổ trưởng dân phố, anh đề nghị chủ nhà tháo van nước của quạt ra kiểm tra. Kết quả cho thấy có rất nhiều lăng quăng trong khay đựng nước của quạt. Chủ nhà thú nhận rằng gia đình mình thường đổ thêm nước vào bình để làm mát chứ ít chú ý đến vệ sinh bình chứa nước.
       “Cái quạt hơi nước là vật dụng người dân hàng ngày vẫn hay dùng, nhất là trong mùa nắng này. Cái quạt này khó súc rửa, khi có bọ gậy cũng khó phát hiện. Quạt hơi nước cũng là vật dụng nổi trội lên trong thời gian dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, chứa lăng quăng/ bọ gậy rất nhiều”. y sĩ Phạm Lê Hùng cho biết.      
quat dieu hoa
                                    Quạt điều hòa là một nơi “lý tưởng” để muỗi vằn truyền bệnh SXH sinh sản nhưng người dân ít chú ý
            Nắng nóng, nhu cầu sử dụng quạt hơi nước của các gia đình tăng cao. Quạt này có khả năng làm mát hiệu quả, do đó cấu tạo của quạt phức tạp hơn những loại quạt bình thường nên nhiều gia đình thường ngại tháo ra vệ sinh. Bình chứa nước không được vệ sinh thường xuyên sẽ gây ra các mùi khó chịu và là môi trường lí tưởng cho vi khuẩn hình thành, sinh sôi và muỗi đẻ trứng.
        Cũng thói quen chỉ thêm nước, vô tình trở thành nơi cho muỗi vằn đẻ trứng là câu chuyện về cái bình hoa. “Nhắc đến lọ hoa, nhiều người dân cứ nghĩ là lọ hoa chưng bàn thờ. Thực ra lọ hoa ở bàn thờ để lâu ngày nhành hoa sẽ bị thối cuống nên muỗi sẽ không sinh sản trong đó. Thực tế đi điều tra véc tơ chúng tôi thấy lọ hoa, bình hoa mà muỗi hay đẻ trứng rồi sinh lăng quăng/bọ gậy là lọ hoa để bàn thờ thần tài hay lọ hoa trồng cây cảnh như dây trường sinh, trầu bà... nước trong, sạch thì muỗi rất thích đẻ trứng ở đó nhưng hầu như người dân không để ý”, anh Nguyễn Đức Vinh – Phó Khoa Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng chia sẻ.
binh hoa
                                                           Các bình trồng cây có nước sạch là nơi muỗi vằn rất thích đẻ trứng

          Dễ dàng nhận thấy, có rất nhiều gia đình, cơ quan, xí nghiệp trồng các chậu cây cảnh, bình cây cảnh để làm mát và đẹp không gian. Tuy nhiên, đây cũng tiềm ẩn nguy cơ sản sinh ra lăng quăng và sau đó thành muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết. Nhất là tại nhiều trường học, các bình trồng cây cảnh được đóng đinh chặt trên các vách tường để tạo màu xanh trang trí trong lớp học. Khi thấy nước vơi đi, giáo viên sẽ đổ thêm nước vào khiến nước trong bình luôn có, lại không súc rửa bình, tạo điều kiện cho muỗi vào đẻ trứng, sản sinh lứa muỗi mới.
          Quạt điều hòa và cái bình hoa chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn vật dụng chứa nước khác trở thành “ổ” cho muỗi đẻ trứng, nở ra lăng quăng và phát triển thành muỗi, nhất là muỗi vằn truyền bệnh Sốt xuất huyết. Vấn đề ở đây là nhiều người dân không nghĩ rằng muỗi được sinh ra ở những nơi như vậy hoặc cho rằng chỉ cần đổ/thay nước là được chứ không phải cọ rửa.
          Thực tế, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue có tập tính đẻ ở nơi nước trong, chúng hoàn toàn không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ. Trứng muỗi có đặc điểm bám vào thành của vật dụng chứa nước và có thể tồn tại  đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng sẽ phát triển thành bọ gậy rồi hình thành muỗi.
          Loại muỗi “siêu đẻ” này trung bình một vòng đời sống được 1- 2 tháng và cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày chúng lại đẻ trứng một lần. Như vậy trung bình một con muỗi cái có thể đẻ trứng khoảng từ  8 - 10 lần trong vòng đời của chúng. Tuy nhiên trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như vào mùa nóng ẩm, muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng. Đây chính là lý do muỗi sinh sôi phát triển với mật độ  rất cao.
          Do không hiểu hết về những đặc tính trên của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhiều hộ gia đình chủ quan, không dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên mọi vật dụng có thể chứa trứng muỗi, bọ gậy, khiến muỗi truyền bệnh có môi trường thuận lợi để phát triển, dẫn tới số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao.
ve sinh nha cua
                                            Việc phòng chống SXH nên được thực hiện từ mỗi gia đình
            Hiện tại Đà Nẵng đang trong giai đoạn nắng nóng, kèm theo những cơn mưa bất chợt, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi sinh sôi. Song song với các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế, người dân cần chú ý tới việc vệ sinh hoặc loại bỏ những nơi muỗi có thể vào đẻ trứng và phòng chống muỗi đốt để ngăn ngừa bệnh Sốt xuất huyết.
                                                                                                                                                                          Phan Yên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây