Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ hai - 07/03/2022 22:16
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tính đến ngày 01/3/2022, thành phố ghi nhận 667 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bệnh nhân có nguy cơ đồng nhiễm vi rút COVID-19 và vi rút SXH, gây các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, bên cạnh việc triển khai hiệu quả công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19; công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
pc sxh

Để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn; Huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia cùng với ngành y tế trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH; Phối hợp với ngành y tế tổ chức Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy trên địa bàn một cách thường xuyên, liên tục; Triển khai song song các hoạt động phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mà không chú trọng đến các bệnh truyền nhiễm khác. Các trường học, quản lý các cơ sở, khu vực, địa điểm trên địa bàn phối hợp tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch bệnh SXH; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh tại trường học… Đối với các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình không hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, cần tăng cường xử phạt để đảm bảo tính răn đe và làm gương cho người dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDCĐN) tăng cường công tác giám sát ca bệnh SXH tại cơ sở điều trị và các địa phương, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh và công tác xử lý dịch bệnh tại từng địa phương, đồng thời đề xuất, tham mưu các giải pháp xử lý, các biện pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, CDCĐN cần hỗ trợ, chỉ đạo về mặt chuyên môn công tác phòng, chống SXH đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện đặc biệt là công tác điều tra véc tơ, phun hóa chất chủ động, xác định các điểm nóng, nguy cơ cao có khả năng bùng phát dịch. Khi xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH tại cộng đồng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Ngoài ra, CDCĐN cần chủ động, tăng cường triển khai công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh SXH; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các Trung tâm Y tế các quận, huyện cần chủ động tham mưu UBND các quận, huyện, đề xuất triển khai các hoạt động truyền thông và các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống SXH tại địa phương với sự tham gia của các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân. Phối hợp tốt với các lực lượng địa phương, lực lượng Cộng tác viên Dân số - Y tế, tăng cường công tác điều tra véc tơ chủ động, đánh giá và xác định các điểm có nguy cơ cao tại các khu vực trên địa bàn; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, dụng cụ phế thải,... tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn. Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, xử lý véc tơ trước và sau khi phun hóa chất; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, đảm bảo trên 90% các hộ gia đình, các phòng, các tầng trong nhà thuộc phạm vi ổ dịch được phun hóa chất...
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) cần tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh SXH; thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, giảm biến chứng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, giảm quá tải bệnh viện, chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời; có phương án xử lý, bố trí địa điểm, giường bệnh khi số lượng bệnh nhân tăng cao; đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị. Bên cạnh đó, các cơ sở KCB cần thực hiện tốt công tác phối hợp với hệ thống y tế dự phòng các tuyến: giám sát dịch bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác, thực hiện nghiêm công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm,... theo quy định.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
                                                                                            Anh Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây