Hãy tuân thủ các biện pháp phòng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em

Thứ sáu - 13/12/2024 20:46
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do vi rút Enterovirus (EV71) và vi rút Coxsackievirus A16 gây ra, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng bùng phát mạnh, nguy cơ tạo thành dịch bệnh cuối tháng 2 đến hết tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Trong hai loại vi rút gây bệnh, EV71 rất nguy hiểm, thường gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, còn Coxsackievirus A16 chỉ gây ra triệu chứng nhẹ. Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người.
TCM

Trẻ mắc Tay chân miệng là nổi lo lắng của nhiều gia đình có con nhỏ. Các bác sĩ nhi khoa cho biết tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới ba tuổi do sức đề kháng yếu. Hầu hết trẻ nhiễm bệnh đều liên quan đến việc thực hành vệ sinh cá nhân và môi trường không đảm bảo. Các ca mắc đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh có diễn biến nhanh, gây các biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... dẫn đến tử vong. Bệnh dễ lây từ người sang người thông qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch của các bọng nước khi vỡ... của người bệnh nên rất dễ lây lan, thường gặp ở các trường học, nhà trẻ.
Khi bị bệnh, trẻ có các triệu chứng như: Biếng ăn, sốt nhẹ, đau họng, thường xuyên quấy khóc, biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy. Nếu nặng hơn, trẻ bị sốt cao, loét miệng, xuất hiện những nốt phát ban dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu trẻ bị sốt cao mà không điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm não dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh hiệu quả, hãy tuân thủ thực hiện các biện pháp sau theo  hướng dẫn của Bộ Y tế: 
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Tránh ôm hôn, dùng chung áo quần, đồ dùng cá nhân, đồ chơi với trẻ nhiễm bệnh.
- Khi trẻ bệnh, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người như đi nhà trẻ, trường học.
- Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hoặc sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời./.
Thanh Bình (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây