6 2 banner2 1

Vắc xin phòng bệnh Cúm - những câu hỏi thường gặp

Thứ hai - 11/11/2024 02:01
Cúm là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra, tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy kịch. Đối với các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Có hai loại vi rút cúm chính: Loại A và B. Các loại vi rút cúm A và B thường lây lan ở người (vi rút cúm ở người) là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm theo mùa mỗi năm. Giống như những căn bệnh khác có nguyên nhân từ vi rút, cách phòng tránh bệnh cúm hiệu quả nhất là sử dụng vắc xin phòng cúm.
Ai nên tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cúm (vắc xin cúm)?
Bất kỳ lứa tuổi nào từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ nhiễm cúm cao: Phụ nữ mang thai và dự định mang thai; Người chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi; Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi; Người trên 65 tuổi; Cán bộ y tế; Người có bệnh lý nền mạn tính; Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
 
vắc xin cúm

Vị trí tiêm vắc xin cúm ở tay hay chân?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đường tiêm của vắc xin cúm được thực hiện là tiêm bắp, tuyệt đối không tiêm vào tĩnh mạch.
Vị trí tiêm được khuyến cáo như sau:
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi – 11 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi – dưới 36 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi (hay ở cơ Delta nếu khối cơ thích hợp để tiêm bắp).
  • Trẻ từ 36 tháng tuổi và người: vị trí thích hợp là tiêm ở cơ Delta.
Tiêm ngừa vắc xin cúm có tác dụng gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, cúm là bệnh lý thuộc “top 5” nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (năm 2016) ở mọi đối tượng, việc chủng ngừa cúm hằng năm mang đến những lợi ích to lớn gồm:
  • Lợi ích thứ 1: tiêm chủng cúm là biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm hiệu quả.
  • Lợi ích thứ 2: vắc xin cúm là “chìa khóa” phòng ngừa quan trọng cho những đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là người mắc bệnh mãn tính.
  • Lợi ích thứ 3: chủng ngừa cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả người mẹ và thai nhi. Vắc xin cúm cho mẹ bầu là dạng vắc xin liều đơn, điều chế từ vi-rút bất hoạt, vì vậy vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.
  • Lợi ích thứ 4: Tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng, giúp tránh tình trạng quá tải lên hệ thống y tế.
Các phản ứng phụ thường thấy sau khi tiêm là gì?
Giống như các sản phẩm khác sử dụng trong y tế, vắc xin phòng cúm cũng có những tác dụng không mong muốn nhất định, tuy nhiên các tác dụng không mong muốn của vắc xin phòng cúm thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau một vài ngày mà không cần can thiệp điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm phòng cúm bao gồm đau nhức, mẩn đỏ và/ hoặc sưng tấy nơi tiêm, nhức đầu, sốt, buồn nôn, đau cơ và mệt mỏi.
Những dấu hiệu hay triệu chứng nào cần lưu tâm sau khi tiêm vắc xin phòng cúm?
Sau khi sử dụng vắc xin luôn luôn phải lưu tâm đến những biểu hiện và triệu chứng bất thường, chẳng hạn như sốt cao, thay đổi hành vi, hoặc là các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng bao gồm: Khó thở; Khàn tiếng, hoặc khò khè; Sưng phù khu vực quanh mắt hoặc môi; Phát ban; Tái nhợt; Yếu người; Tim đập nhanh, hoặc choáng váng, chóng mặt.
Tại sao nên tiêm vắc xin cúm hàng năm?
Vì vi rút cúm phát triển biến thể mới hằng năm, nên vắc xin năm ngoái không thể bảo vệ bạn khỏi chủng vi-rút mới của năm nay. Thuốc chủng ngừa cúm được phát hành hàng năm để bắt kịp với các loại vi-rút cúm thích ứng nhanh chóng. Khi bạn tiêm chủng đúng định kỳ, hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể để bảo vệ bạn khỏi các loại vi rút có trong vắc xin.
Thời điểm nào nên tiêm vắc xin cúm
Cúm mùa thường diễn ra quanh năm, nhưng mùa cao điểm của cúm mùa thường rơi vào mùa xuân và mùa đông. Vì vậy khoảng thời gian thích hợp để tiêm vắc xin cúm 2 tuần đến 1 tháng trước khi vào mùa cao điểm, khoảng từ tháng 9 đến tháng 3. Tuy nhiên, việc tiêm phòng sớm quá có thể làm giảm khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm bệnh cúm vào cuối mùa cúm.
Chống chỉ định tiêm vắc xin cúm
Đối với nhóm đối tượng dưới đây, chống chỉ định tiêm vắc xin cúm
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm.
  • Những người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng với vắc xin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc xin. Thành phần dị ứng có thể bao gồm gelatin, thuốc kháng sinh, hoặc các thành phần khác.
  • Nếu bạn đã từng mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS), không nên chủng ngừa cúm.
Anh Thơ (Tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây