Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) ở châu Phi.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hôm nay, ủy ban chuyên gia đã họp khẩn cấp và thông báo với tôi rằng, theo quan điểm của họ, tình hình này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó”. Cũng theo Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, ủy ban chuyên gia đã đưa ra đề xuất về việc sử dụng vaccine phòng ngừa mpox trong thời gian tới.
Virus đậu mùa khỉ (màu cam) lây nhiễm vào các tế bào
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, cuộc họp quy tụ 16 chuyên gia quốc tế, diễn ra sau khi cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (AU) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục vì đợt bùng phát đang lan mạnh. Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp CHDC Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. CHDC Congo chính là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970.
Theo số liệu của CDC châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8, châu lục này có 38.465 ca mắc Mpox và có 1.456 ca tử vong. Các quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Burundi, Cameroon, Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi, Uganda và Kenya.
PHEIC là cấp độ cao nhất trong hệ thống cảnh báo của WHO, được đặt ra nhằm tập trung các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và tăng cường hợp tác đa quốc gia trong ứng phó với dịch bệnh. Động thái này cũng có thể khiến các quốc gia thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế cần chung tay nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và hạn chế số ca tử vong. Việc phát hiện một chủng virus mới đang lây lan nhanh chóng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và đã lan sang cả các nước trước đây chưa ghi nhận dịch đậu mùa khỉ cũng như nguy cơ lan rộng ra toàn châu Phi và trên giới là rất đáng báo động”.
WHO đã phê duyệt khẩn cấp khoản ngân sách 1,5 triệu USD và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung thêm ngân sách cũng như kêu gọi ủng hộ từ bên ngoài để ứng phó với dịch bệnh này.
Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...