Ngành Y tế Đà Nẵng triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (15/6/2024)

Thứ sáu - 14/06/2024 02:49
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, có thể gây thành dịch và có khả năng dẫn đến tử vong, chưa có thuốc đặc trị. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định số ca mắc sốt xuất huyết toàn cầu tăng rõ rệt trong những thập kỷ gần đây, đặt ra thách thức đáng kể về sức khỏe cộng đồng.
Để chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống Sốt xuất huyết (SXH) trước các tháng cao điểm năm 2024, đồng thời hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (15/6/2024), Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị các UBND quận huyện và yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện các hoạt động sau:
Các UBND quận huyện: Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường và các tổ chức, hội, đoàn  thể, lực lượng chức năng địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn; đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ (nhất là điểm tập kết lốp xe, dụng cụ phế thải; nhà trọ, nhà cho thuê; bãi đất trống, công trình xây dựng; cơ sở thờ tự tôn giáo) phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy; Tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống SXH và dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn; Tăng cường xử phạt, xử lý theo quy định đối với các cơ sở, hộ gia đình vi phạm quy định về phòng, chống dịch…
muỗi vằn
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn: Rà soát, đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân theo điều trị đúng phác đồ; tiếp tục thực hiện công tác hội chẩn bằng nhiều hình thức, chuyển tuyến đúng và kịp thời; nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân SXH, hạn chế đến mức tối đa biến chứng nặng và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện để thực hiện hiệu quả công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm và xử lý, kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Nhi rà soát, tiếp tục tổ chức tập huấn (nếu cần thiết) về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân SXH và các bệnh truyền nhiễm khác cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân…
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế: Tăng cường công tác truyền thông, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và các bệnh truyền nhiễm khác tại đơn vị; Phối hợp với hệ thống y tế dự phòng các tuyến, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại đơn vị, nơi lưu trú và tại cộng đồng.

 
xe tuyên truyền
Xe tuyên truyền phòng chống SXH tại các quận/ huyện

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với công tác điều tra, giám sát, xử lý, phòng, chống dịch bệnh SXH; Phát hiện sớm các khu vực nguy cơ cao, các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn, tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; Theo dõi, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ việc sử dụng hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch của Trung tâm Y tế quận, huyện; phân phối cho các đơn vị sử dụng hợp lý, hiệu quả theo quy định; Thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14; Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết; Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển,...
Trung tâm Y tế các quận, huyện: Tiếp tục giám sát chặt chẽ; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ca đơn lẻ, khu vực nguy cơ cao, ổ dịch SXH tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Tăng cường, thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh SXH, dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch SXH tại địa phương; Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, xử lý véc tơ trước và sau khi phun hóa chất. Tổ chức phun hóa chất các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, nguy cơ cao đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun phù hợp. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt mũi chủ động phòng, chống SXH.
Nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc thực hiện vệ sinh môi trường vệ sinh cá nhân chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH);  Huy động các cấp chính quyền đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và thực hiện quyết liệt các biện pháp diệt muỗi lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kế hoạch triển khai tập trung thực hiện các hoạt động trong tuần lễ cao điểm từ ngày 10 đến 17/6/2024. Tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động trong suốt thời gian còn lại của năm 2024, tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

 
treo băng rôn SXH
 Treo băng rôn hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH

Theo đó, các TTYT quận huyện đã có kế hoạch thực hiện hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH với các hoạt động như: chạy xe tuyên truyền, treo băng rôn hưởng ứng… Khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch và khai báo dịch bệnh, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà; Huy động các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống SXH trên địa bàn, duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh SXH tại địa phương, triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh SXH, xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, không để dịch bùng phát, kéo dài./.
Anh Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây