Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến nửa tháng 5/2024 cả nước ghi nhận 20.081 trường hợp mắc Tay chân miệng tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023, chưa có ca tử vong. Số ca mắc được ghi nhận chủ yếu trong các cơ sở giáo dục mầm non, có trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
Tại Đà Nẵng, tính đên ngày 19/5/2024 toàn thành phố ghi nhận 384 ca mắc bệnh Tay chân miệng (tăng 181% so với cùng kỳ năm trước). Số ca mắc hầu hết ở các quận/huyện nhưng tập trung cao nhất ở quận Ngũ Hành Sơn (85 ca), Cẩm Lệ (72 ca), Hòa Vang (54 ca)… Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn đang chuyển mùa hè, nắng nóng, ẩm kéo dài sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, dễ bùng phát dịch. Thêm vào đó, bệnh Tay chân miệng trẻ em lây lan nhanh chóng liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nhất là trong môi trường nhà trẻ, các trường mầm non, nơi sinh hoạt tập thể.
Hình minh họa (nguồn HCDC)
Bệnh Tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần chủ động thực hiện tốt biện pháp “3 sạch” để phòng bệnh cho trẻ: Bàn tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn và trẻ em). Chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ăn sạch: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. Ở sạch: thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh không nên đưa trẻ đến trường, nơi đông người, cần cho trẻ đi khám ngay và thông báo cho cơ quan y tế gần nhất.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...