Bệnh Sởi tăng cao ở nhiều địa phương, cần tích cực phòng ngừa

Thứ ba - 03/12/2024 21:37
Hiện nay tại nước ta, một số địa phương có số ca mắc bệnh Sởi cao là TP HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, trong đó TP. Hồ Chí Minh có số ca mắc cao nhất với hơn 2,4 ngàn ca bệnh và 04 người tử vong do Sởi. Số trường hợp mắc bệnh ở địa phương này tăng ở nhóm 6 – 9 tháng và nhóm trẻ từ 11 – 14 tuổi. Riêng tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 05 ca mắc và không có tử vong do Sởi.
Bệnh Sởi do virus Sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Bệnh Sởi dễ lây lan qua đường hô hấp nhất là ở những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... nên nguy cơ cao lân thành dịch. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dịch Sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Các dấu hiệu bệnh Sởi cần chú ý
Ở thể thông thường điển hình, thời gian ủ bệnh thường từ 8 – 11 ngày, sau đó sẽ phát triển qua 03 giai đoạn:
Xuất hiện hạt Koplick
- Sốt nhẹ đến sốt cao.
- Chảy nước mắt nước mũi, ho, vêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt.
- Xuất hiện hạt Koplick, là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến hàng trăm nốt mọc ở niêm mạc má. Các hạt Koplick chỉ tồn tại 24 – 48 giờ. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn.
Mọc ban
- Thông thường ban mọc từ ngày thứ 4 – 6 của bệnh. Đặc điểm là ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng đa lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 – 6mm.
soi

Ban mọc theo thứ tự như sau:
Ngày 1: mọc ở sau tai, lan ra mặt.
Ngày 2: lan xuống đến ngực, tay
Ngày 3: lan đến lưng, chân
Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên.
- Ban mọc ở bên trong niêm mạc ở đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng, ở phối gây viêm phế quản, ho.
- Toàn thân: khi ban bắt đầu mọc, người bệnh sẽ sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân, nhiệt độ sẽ giảm dần, triệu chứng toàn thân cũng giảm dần rồi hết.
Ban lặn
Thường vào ngày thứ 6, ban bắt đầu bay theo thứ tự như lúc mọc, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thương tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” đó là dấu hiệu để truy chẩn đoán. Toàn thân bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng.
Với những bệnh nhân gặp thể Sởi ác tính, bệnh rất nguy hiểm. Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Người bệnh thường sốt cao 39 – 410C; vật vã, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái; nôn, đi cầu lỏng, đái ít; xuất huyết dưới da hay phủ tạng.. Những trường hợp này cần cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh Sởi lây như thế nào?
Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Siêu vi Sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân và thường lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện.
Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước bọt có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại… Khi sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng sẽ bị lây bệnh
Một khi siêu vi Sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da. Bệnh lây truyền mạnh trong những tập thể chưa có miễn dịch (nhà trẻ, mẫu giáo…).
Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng chống bệnh Sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin Sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Trước đây tỉ lệ tử vong do bệnh Sởi khá cao, tuy nhiên khi vắc xin Sởi được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm rất nhiều.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện./.
                                                                                                    Thư Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây