Ngành y tế thành phố Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài

Thứ hai - 28/03/2022 22:04
Năm 2022, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố.
Từ tháng 4-2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp. Sự phối hợp kịp thời và đúng lúc này đã nhanh chóng mang lại những kết quả tích cực ban đầu cho việc vận dụng xu thế công nghệ 4.0 trong việc khám, chữa bệnh (KCB).
Chỉ sau đúng một tuần, hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành và chỉ hai tháng sau khi đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Sau hơn hai tháng triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia.
chuyen doi so 1

Năm 2022, Ngành Y tế Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tr0ng đó, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số phải được tiến hành đồng bộ trong toàn ngành có lộ trình cụ thể, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành Y tế thành phố Đà Nẵng tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế thành phố, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế: Triển khai 100% dịch vụ công mức 4 tại Sở Y tế, 50% dịch vụ công mức 3 tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% chế độ báo thống kê định kỳ được sử dụng tại tất cả các đơn vị, thay thế báo cáo thống kê định bằng giấy; Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của Sở Y tế được thực hiện thông qua môi trường số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được định kỳ hàng năm tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số cơ bản, trong đó 50% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số; 90% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo các kỹ năng số trong thực hiện nhiệm vụ được giao; 100% dữ liệu mở được cung cấp cho các sở, ban, ngành liên quan và cung cấp cho tổ chức, công dân.
Phát triển xã hội số trong y tế: 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam;
Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân: 100% các trạm y tế xã, phường có khả năng tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên bằng công nghệ hội nghị truyền hình trực tuyến; Duy trì 100% các Ttrạm y tế xã, phường triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; Duy trì trên 97% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế khai thách sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân.
Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh: 50% số bệnh viện trên địa bàn thành phố chuyển đối số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
Mục tiêu đến năm 2030
Tiếp tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các mục tiêu như sau: 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của các đơn vị được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu Sở Y tế không phải cung cấp lại; Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025; 97% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% bệnh viện trực thuộc Sở Y tế chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
                                                                                                           Anh Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây