Trưởng đại diện WHO: Việt Nam đã có các biện pháp thực sự mạnh mẽ để ứng phó với COVID-19
Thứ năm - 06/10/2022 00:46
Việt Nam đã làm rất tốt trong việc quản lý đại dịch. Ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch COVID-19, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó với COVID-19...
Đây là nhấn mạnh của TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 5/10. Việt Nam đã có các biện pháp thực sự mạnh mẽ để ứng phó với COVID-19
Theo TS. Angela Pratt, năng lực tốt trong phát hiện sớm và ứng phó với các trường hợp; giám sát và kiểm tra tốt; các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và hạn chế tiếp xúc xã hội đã ngăn chặn sự lây truyền của virus; tuân thủ tốt các hành vi bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang; việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện kịp thời... Tất cả các biện pháp này đều giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc)
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ, khi có vaccine, Việt Nam triển khai tiêm vaccine và nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số thực sự cao. Hơn 260 triệu liều vaccine đã được tiêm, trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
"Tất cả những kết quả đáng ghi nhận này nhờ vào sự lãnh đạo và cam kết của Chính phủ. Chúng ta đã có các chính sách và hướng dẫn kịp thời và phù hợp, bao gồm cả Nghị quyết 128" - TS. Angela Pratt, nhấn mạnh.
Cùng với đó là nỗ lực và sự hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn. "Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó. Một yếu tố quan trọng là sự không mệt mỏi của ngành y tế. Được sự hỗ trợ của các ngành, họ làm việc không ngày nghỉ, suốt ngày đêm. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận những nỗ lực và cam kết của các nhân viên y tế. Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai" - Trưởng đại diện WHO nói tại buổi toạ đàm. Nghị quyết 128 - Dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19
TS. Angela Pratt cho rằng, Nghị quyết 128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động rất lớn đối với Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đánh giá đầy đủ những tác động về mặt xã hội. Trong đó rất nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung. Vì vậy phải cân bằng các biện pháp khi mở cửa nền kinh tế" - TS. Angela Pratt nói.
Theo bà, Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết này. Trước hết Việt Nam đã bao phủ tỉ lệ tiêm chủng rất cao và tỉ lệ này gia tăng theo thời gian. Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng…
"Tôi cho rằng đó là một bài học kinh nghiệm nữa được rút ra ngay từ đầu đại dịch và có thể ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát và quản lý COVID-19. Thông qua Nghị quyết đã hỗ trợ nỗ lực này rất lớn" - TS. Angela Pratt bày tỏ.
Đồng thời, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Nghị quyết 128 được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng với sự lãnh đạo của Chính phủ có sự tham gia của các bộ ngành, các đối tác, chính quyền địa phương, các đối tác quốc tế. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta học được trong phòng chống COVID-19, bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với COVID-19 được mà cần sự chung tay chung sức của toàn xã hội.
Những điều Việt Nam đưa vào Nghị quyết 128 cũng là những điều Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo. Sau 1 năm chúng ta đang ở vị thế thoải mái hơn điều đó đã thể hiện rất rõ hiệu quả của Nghị quyết này.