PHÁT HIỆN VÀ SÀNG LỌC BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ sáu - 26/03/2021 02:42
Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có biểu hiện gì cả. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể thấy mắt mờ dần. Nhiều trường hợp có hiện tượng ruồi bay - đó là các chấm đen, đốm đen, sợi đen như tóc hoặc màng nhện bay trước mắt.
Cần khám và phát hiện sớm bệnh Võng mạc đái tháo đường
     Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có biểu hiện gì cả. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể thấy mắt mờ dần. Nhiều trường hợp có hiện tượng ruồi bay - đó là các chấm đen, đốm đen, sợi đen như tóc hoặc màng nhện bay trước mắt. Ở giai đoạn muộn, bệnh có thể gây đau nhức mắt do gây ra cườm nước (glaucoma).
     Khi người bệnh đái tháo đường có các triệu chứng về thị lực dưới đây thì nên đến các cơ sở y tế để được khám và phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Nhìn mờ
- Hiện tượng ruồi bay trước mặt
- Tầm nhìn thay đổi
- Tầm nhìn bị méo
- Có vùng tối trong tầm nhìn
- Tầm nhìn ban đêm kém
- Tầm nhìn màu bị suy giảm
- Mất một phần hoặc toàn bộ thị lực
     Bệnh nhân võng mạc đái tháo đường sẽ được khám mắt toàn diện bao gồm: đo và kiểm tra thị lực; khám bằng sinh hiển vi; đo nhãn áp; soi góc tiền phòng và kiểm tra đáy mắt để đánh giá mức độ của bệnh võng mạc đái tháo đường. Ngoài ra, các bác sỹ có thể sử dụng chụp mạch huỳnh quang để điều tra rõ nguyên nhân giảm thị lực, xác định mao mạch rò rỉ và sử dụng làm hướng dẫn để điều trị phù hoàng điểm.
Điều trị và theo dõi
     Khi phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở chuyên khoa để được điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa giảm thị lực và ổn định thị lực. Nhiều trường hợp bệnh võng mạc đái tháo đường kèm xuất huyết dịch kính hoặc nặng hơn có thể cần chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính. Sau khi điều trị, để đảm bảo bệnh nhân và người nhà hiểu được sự cần thiết của việc liên tục theo dõi tình trạng của mắt, bác sỹ sẽ trao đổi về các dấu hiệu lâm sàng và các tác động; thông báo kết quả khám mắt của bệnh nhân cho các nhân viên y tế chuyên ngành khác có tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe của người bệnh; tiếp tục cung cấp hỗ trợ và tư vấn về kiểm soát đường huyết, huyết áp và kiểm soát mỡ máu (lipid máu); nhấn mạnh hiệu quả của việc khám định kỳ.
 
2503211


Khám lại định kỳ
     Đối với bệnh nhân đái tháo đường típ 1, cần khám mắt lần đầu trong vòng năm năm kể từ khi chẩn đoán có bệnh ĐTĐ và khám lại định kỳ hàng năm hoặc ít nhất hai năm một lần nếu không phát hiện dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện tổn thương võng mạc, tần suất khám có thể tăng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương võng mạc và mức độ kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
     Đối với bệnh đái tháo đường típ 2, cần khám mắt càng sớm càng tốt, ngay sau khi chẩn đoán có bệnh đái tháo đường. Tần suất khám lại tương tự như bệnh nhân đái tháo đường típ 1.
Ths. Nguyễn Hữu Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây