6 2 banner2 1

Điều trị Methadone: Truyền thông sâu rộng và vận động chính sách để đạt hiệu quả cao hơn

Thứ ba - 12/02/2019 22:22
Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông sâu rộng, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi.

Hơn 54 nghìn bệnh nhân đang được điều trị Methadone

Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone không phải là một giải pháp mới trong các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Phương pháp này đã được triển khai từ năm 1964 trên 70 quốc gia như: Australia, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc... điều trị cho khoảng 580.000 người tại khu vực châu Âu và hơn 200.000 người tại khu vực châu Á.

Điều trị Methadone giúp giảm lây nhiễm mới HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone bắt đầu triển khai từ năm 2008. Sau 1 năm triển khai thí điểm và đánh giá kết quả cho thấy hiệu quả tốt, Chính phủ đã cho phép mở rộng chương trình ra toàn quốc và đặt mục tiêu điều trị 80.000 bệnh nhân trên toàn quốc. Tính đến tháng 7/2018, 63 tỉnh/thành phố đã điều trị cho 54.255 bệnh nhân tại 314 cơ sở điều trị (đạt 67% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg).

Chương trình điều trị Methadone đã góp phần đáng kể vào việc giảm tội phạm, giảm sự lây truyền HIV trong nhóm người nghiện ma túy và từ nhóm người nghiện ma túy ra cộng đồng. Các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra bằng chứng thống nhất là điều trị thay thế bằng Methadone giúp người nghiện giảm tần suất sử dụng các loại ma túy; giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng ma túy quá liều; tăng hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút ARV.

Theo Viện Y tế quốc gia, Văn phòng Giám đốc, Bộ Y tế Hoa Kỳ tháng 11/1997: “Trong số các phương pháp điều trị khác nhau, điều trị duy trì Methadone, kết hợp với sự chú ý đến các vấn đề về y tế, tâm thần và kinh tế xã hội, cũng như tư vấn về ma túy, có khả năng có hiệu quả cao nhất".

Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm chương trình “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” tại Hải Phòng và TPHCM từ năm 2008. Đến hết tháng 9/2017, việc điều trị bằng Methadone đã được triển khai rộng khắm ở 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV

Cho ý kiến đánh giá về điều trị Methadone, Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh khẳng định, việc điều trị Methadone mang lại hiệu quả cao, làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

Bệnh nhân giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.

Những thay đổi tích cực này đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân.

Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị.

Chương trình Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, những giá trị, hiệu quả của điều trị Methadone là hết sức quan trọng. Điều đó đã được thực tế chứng minh và khẳng định. Những cách làm hay và làm tốt cần được nhân rộng và phát triển. Vấn đề đáng quan tâm là cần xem xét để hoàn thiện chương trình điều trị. Nếu điều trị Methadone mà hàng ngày chỉ đơn giản cho uống thì quá dễ dàng, chỉ mang lại một số hiệu quả trước mắt. Còn muốn “điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị” như quy định của Chính phủ thì phải thực hiện tổng thể, công phu nhiều giải pháp. Làm được như vậy mới không để lại những hậu quả khôn lường lâu dài, đó là nghiện Methadone, tử vong do Methadone, thế hệ con cái bị ảnh hưởng sức khỏe, tử vong do bố, mẹ dùng Methadone...

Từ khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ và thực tế điều trị Methadone cần sớm điều chỉnh, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật với  những nội dung, giải pháp về quản lý, tâm lý, xã hội, kinh tế ngoài biện pháp y tế đã nêu. Lúc đó điều trị Methadone mới thực sự hiệu quả. Do vậy, cũng cần cân nhắc thấu đáo, cứ tiếp tục mở rộng điều trị Methadone với cách làm hiện nay hay phải quan tâm đến chất lượng, làm đâu chắc đó, thực sự là điều trị Methadone bài bản rồi mới mở rộng.

Cần mở rộng mô hình cấp phát thuốc các tỉnh miền núi

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được các nước trên thế giới và ở Việt Nam đánh giá, đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp..

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có điều trị Methadone.

Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Tuyên truyền về điều trị Methadone chưa sâu rộng, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình.

Đáng lưu ý, hiện nay, tủ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp chiều hướng gia tăng mạnh, cũng như sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy gia tăng. Tăng số lượng bệnh nhân tham gia điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy khác dẫn đến bị bắt đi cai nghiện bắt buộc gia tăng.

Nhiều địa phương mở rộng các hình thức cái nghiện khác nhau nên người nghiện có nhiều lựa chọn trong điều trị. Một số tỉnh miền núi do giao thông đi lại khó khăn.

Điều trị Methadone là điều trị lâu dài và phải đến uống thuốc hàng ngày do đó có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đã bỏ trị. Tình trạng bỏ trị theo thời gian có chiều hướng gia tăng, trong đó bỏ không rõ lý do, bỏ do khoảng cách xa, bị bắt giam, tự nguyện xin dừng điều trị, chuyển cơ sở, bị đưa vào cơ sở cai nghiện là những nguyên nhân chính.

Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông sâu rộng, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi.

Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone - buprenorphin/naloxone. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn. Ngoài ra, cần hỗ trợ công tác triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ, ngành Y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị, bảo đảm điều trị bền vững cho bệnh nhân điều trị Methadone.

Nguồn tin: tiengchuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây