6 2 banner2 1

Nam điều dưỡng 37 năm tận tụy chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS

Thứ năm - 28/02/2019 21:20
Xuất ngũ, đi thăm bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, ông cảm thương, đồng cảm nỗi đau của họ và quyết đi con đường ngành y. Nhiều lần bị bệnh nhân rượt đuổi, 2 lần bị phơi nhiễm HIV nhưng ông vẫn không từ bỏ nghề.

 Điều dưỡng Khang chăm sóc cho bệnh nhân

Gần 40 năm gắn bó với nghề y, chỉ làm công việc duy nhất chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Ông đã từng bị bệnh nhân HIV/AIDS đuổi đánh, từng 2 lần bị phơi nhiễm bệnh, những vẫn không bỏ nghề.

Ông là điều dưỡng Nguyễn Kim Khang, công tác tại Khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP.HCM. Mong muốn của ông là góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình để giảm bớt nỗi đau cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân giai đoạn cuối.

Tinh thần thép của người lính

Khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có 31 y, bác sĩ, điều dưỡng và hằng ngày tận tụy điều trị, chăm sóc cho khoảng 45 bệnh nhân bị HIV/AIDS nội trú. Mặc dù trong quá trình điều trị xảy ra không ít tai nạn như kim đâm, xây xước chảy máu… gây phơi nhiễm nhưng chưa một ai bỏ khoa để đi tìm chỗ làm mới. Trong đó, có điều dưỡng Nguyễn Kim Khang (58 tuổi) - người đã gắn liền với công việc 37 năm qua.

Kể về cơ duyên trở thành điều dưỡng chuyên chăm sóc bệnh nhân bị HIV/AIDS, điều dưỡng Khang cho biết, ông từng đi lính 4 năm, sau khi giải ngũ trở về ông có dịp được tiếp xúc với những bệnh nhân HIV. Cảm nhận được nỗi đau của những người này nên ông muốn làm điều gì đó giúp họ vơi đi nỗi đau.

May mắn là khi ông chọn nghề điều dưỡng, gia đình không những không phản đối mà còn ủng hộ, khích lệ tinh thần.

“Lúc tôi mới vào nghề, má tôi kêu trời ơi, trong nhà có người làm được ngành y. Vợ cũng không can mà động viên anh cứ làm đi, nếu anh biết làm, tuân thủ chuyên môn thì có gì đâu”, điều dưỡng Khang nói.

Đến nay, ông Khang đã có 37 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS.

Nói về công việc của mình, ông Khang cho hay, điều dưỡng là người gần gũi với bệnh nhân nhất. Hằng ngày phải tắm rửa, thay đồ, chích thuốc, truyền dịch… cho bệnh nhân. Cũng chính vì những công việc thường ngày gần gũi nên ông xem bệnh nhân như người thân trong nhà.

“Tôi xem họ như chính người thân của mình, chỉ cần nhìn thấy sức khỏe của bệnh nhận khá hơn là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”, ông Khang tâm sự.

Gần 40 năm gắn bó với nghề, nhiều lần ông Khang vui mừng, hạnh phúc vì bệnh nhân hồi phục, xuất viện về với gia đình. Nhưng cũng không ít lần ông phải chứng kiến những bệnh nhân do mình chăm sóc không vượt qua được căn bệnh mà tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

“Những lúc chứng kiến bệnh nhân qua đời, dù rất buồn, nhưng cũng tự an ủi bản thân là đã làm tốt nhiệm vụ, bổn phận của một điều dưỡng để lấy lại tinh thần thép và tiếp tục chăm sóc những người bệnh khác đang cần mình”, ông Khang nói.

Hai lần phơi nhiễm HIV

Nhưng cũng ngần ấy thời gian, điều dưỡng Khang cũng trải qua đủ các cung bậc cảm xúc từ vui mừng, hạnh phúc khi có bệnh nhân bình phục; rồi đến hoang mang, lo lắng vì bị phơi nhiễm HIV phải uống thuốc cả tháng trời.

Kể về 2 lần phơi nhiễm của mình, ông Khang cho hay, công việc của điều dưỡng không tránh khỏi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm HIV như máu, dịch , đờm, mủ...  Mặc dù rất cẩn thận trong công việc nhưng do bệnh nhân quá gầy, không thấy ven, nên ông phải chườm nước lên trán. Do bệnh nhân bực bội nên bứt cả kim ra, không may, cây kim đâm thẳng vào ông.

Một lần nữa là trong lúc đang kéo lam để thử máu cho bệnh nhân thì chẳng may lam bị trượt vào tay. Sau đó, ông phải uống thuốc liên tục trong vòng 30 ngày.

“Với nghề này các thao tác phải chính xác, nhanh, gọn, đầu óc phải tỉnh táo để tránh mọi sơ suất”, điều dưỡng Khang chia sẻ thêm.

Gắn bó với nghề điều dưỡng gần nửa đời người, điều ám ảnh nhất với ông là có bệnh nhân nổi cơn kích động, đập vỡ cửa kính rồi 2 tay cầm 2 miếng kính rượt đuổi y, bác sĩ.

Ông bảo: Mình nghĩ bệnh nhân bị HIV là một tai nạn thôi, nó là xui xẻo, không hiểu biết, xem như là một bệnh bình thường thôi, chứ có gì đâu mà sợ. Khi phát hiện bị bệnh, nhiều người không giữ được bình tĩnh nên bị kích động, sau đó mình phải phân tích cho họ hiểu!

Những kỷ niệm với bệnh nhân HIV/AIDS

Tâm lý của bệnh nhân HIV thường không ổn định, nhiều người từng có ý định tự tử để giải thoát cho mình, điều dưỡng Khang hằng ngày gần gũi tâm sự, chia sẻ để bệnh nhân từ bỏ ý định tìm đến cái chết.

Ông Khang cho hay, là một điều dưỡng, hằng ngày ông phải đi quan sát bệnh nhân. Sau đó, theo y lệnh của bác sĩ mà truyền dịch, chích, phát thuốc, siêu âm, chụp phổi... Trưa, lấy sinh hiệu bệnh nhân về, theo dõi huyết áp, nhịp sinh tồn... Có trường hợp người bệnh bị nặng, đàm nhớt trong miệng ra nhiều mình phải thường xuyên qua lại kiểm tra và hút đàm nhớt nguyên đêm, nhưng bệnh nhân cũng ra đi.

“Người mắc bệnh HIV/AIDS thì vấn đề về tinh thần và ý chí người bệnh quan trọng lắm. Nếu họ chán nản, bỏ ăn, cơ thể sẽ suy kiệt thì bệnh càng thêm trầm trọng. Khi họ vào mình phải tư vấn động viên, an ủi và chú ý chế độ dinh dưỡng cho họ. Với bệnh nhân HIV/AIDS thì động viên để họ có tinh thần còn tốt hơn cả thuốc nữa”, ông Khanh đúc kết kinh nghiệm của mình.

Ông bảo, có trường hợp bệnh nhân khi nhận vào phòng nặng, người nhà sợ bị lộ thông tin nên đã lấy bộ hồ sơ. Lúc đó, để được tiếp tục điều trị cho bệnh nhân nên ban lãnh đạo BV đã cho tạo một bộ hồ sơ mới.

Sau gần 40 năm trong nghề, dù sắp về hưu, nhưng hằng ngày, điều dưỡng Khang vẫn tận tụy chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS điều trị nội trú. Có những bệnh nhân cũ quay lại bệnh viện kinh ngạc nói: “Trời ơi, ông này Khoa nhiễm E làm lâu lắm luôn vậy mà chưa về hưu”.

Mặc dù gần đến ngày về hưu, nhưng khi được chúng tôi hỏi có muốn về hưu sớm không, ông cười hiền: Cả đời phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS, vui nhất là mình được chăm sóc cho bệnh nhân. Không biết sức khỏe của mình như thế nào, nhưng sẽ cố gắng. Sau khi về hưu, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân HIV/AIDS.

"Điều dưỡng Nguyễn Kim Khang là một trong rất nhiều “nhân viên áo trắng thầm lặng” của ngành y. Anh luôn tận tụy hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày của mình với một tâm niệm rất đơn giản “chỉ cần nhìn thấy sức khỏe của bệnh nhân khá hơn là cảm thấy vui và hạnh phúc”... Anh thật sự là “người hùng vô danh” ít được biết đến. Nghề điều dưỡng như anh xứng đáng được mọi người biết đến, tôn vinh và nhận được sự quan tâm đúng mực", TS - BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhận xét.

Thanh Trà

Theo báo Thanh niên

Nguồn tin: tiengchuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây