Bệnh Bạch hầu và các biện pháp phòng bệnh

Thứ tư - 27/09/2023 22:45
Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn Bạch hầu gây ra.
bach hau

Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Bệnh Bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện. Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.
 - Thời kỳ lây truyền: Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn Bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.
Phương thức lây truyền
- Bệnh Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu.
- Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu.
Triệu chứng của bệnh Bạch hầu
- Viêm họng, mũi, thanh quản.
- Họng đỏ, nuốt đau.
- Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
 - Khám thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc Bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc Bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
Các biện pháp phòng bệnh Bạch hầu
* Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu:
- Cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch. Các loại vắc xin phòng bệnh Bạch hầu gồm có:
+ Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng có vắc xin 5 trong 1 SII (vắc[1]xin phối hợp phòng 5 bệnh Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm phổi do HIB - viêm gan B), vắc xin DPT (Bạch hầu - uốn ván - ho gà) được tiêm cho tất cả trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi.
 + Trong Tiêm chủng dịch vụ có loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 (vắc xin phối hợp phòng 6 bệnh Bạch hầu - viêm gan B - Hib - ho gà - bại liệt - uốn ván).
+ Trong Tiêm chủng dịch vụ hoặc tiêm chủng chiến dịch có Vắc xin uốn ván – Bạch hầu hấp phụ (Td) được chỉ định cho trẻ em lứa tuổi lớn (từ 7 tuổi trở lên) và người lớn (có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú).
- Thời điểm tiêm cho trẻ là lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng, nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
 - Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
* Vệ sinh phòng bệnh:
 - Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Tại nơi có ổ dịch Bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn Bạch hầu.
- Phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân Bạch hầu. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.
* Đối với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh:
 - Tất cả bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân có thể mắc bệnh phải được cho đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể mắc bệnh cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều cần phải được nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.
- Các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kể cả người lành mang trùng phải được đeo khẩu trang, cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.
 * Đối với người tiếp xúc gần
- Lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần.
- Tổ chức cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh. Hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
- Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm.
                                                                                                                                                Châu Anh
                                                                                                                                (Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây