NGẬM TĂM SAU KHI ĂN THÓI QUEN TƯỞNG BÌNH THƯỜNG MÀ VÔ CÙNG NGUY HẠI
Thứ sáu - 22/05/2020 04:35
Dùng tăm lấy thức ăn còn sót lại sau khi ăn rồi ngậm luôn trong miệng dường như là thói quen của không ít người. Thế nhưng nhiều người sẽ phải giật mình khi biết thói quen này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Dùng tăm lấy thức ăn còn sót lại sau khi ăn rồi ngậm luôn trong miệng dường như là thói quen của không ít người. Thế nhưng nhiều người sẽ phải giật mình khi biết thói quen này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho hay, Bệnh viện này vừa cấp cứu thành công một trường hợp tự gây hậu quả nghiêm trọng vì vừa ngậm tăm xỉa răng vừa ngủ.
Bệnh nhân là nữ, 48 tuổi, đến từ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nhập viện vào chiều ngày 21/5 trong tình trạng đau dữ dội ở vùng hậu môn. Theo lời kể của chị T, (tên bệnh nhân), trước đó một ngày, sau khi ăn xong, chị xỉa răng theo thói quen, sau đó thì ngậm tăm và ngủ quên lúc nào không hay. Sau khi tỉnh dậy chị không biết rằng mình đã nuốt luôn đoạn tăm khi đang ngủ. Sau đó bệnh nhân thấy đau dữ dội ở vùng hậu môn và được người nhà chở đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Trưa cùng ngày, chị T. thấy có chảy máu ở vùng hậu môn. Nghi ngờ có dấu hiệu không tốt, chị được bác sĩ chỉ định thực hiện nội soi trực tràng. Sau khi nội soi, bác sĩ Lý Thanh Thư, Khoa Nội tiêu hóa-Gan mật-Nội tiết đã phát hiện có dị vật đâm vào ống hậu môn. Dị vật là đoạn tăm tre dài khoảng 2cm, tương đương nửa cây tăm bệnh nhân đã ngậm vào tối hôm trước. Một đầu nhọn của tăm đâm vào ống hậu môn, đầu còn lại trong lòng trực tràng. Bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật thành công.
(Đoạn tăm tre được gắp ra trong ống hậu môn của bệnh nhân)
Sau thủ thuật, bệnh nhân đã trở lại bình thường, không còn đau và không có biến chứng. “May mắn là bệnh nhân đi khám và phát hiện kịp thời. Nếu để lâu, có thể dẫn tới biến chứng thủng ống tiêu hóa và tạo nhiễm trùng trong ổ bụng.” Bác sĩ Lý Thanh Thư chia sẻ và khuyến cáo thêm “người dân nên đề cao cảnh giác đối với những thói quen tưởng chừng như vô hại; có thể thay thế tăm xỉa răng bằng chỉ nha khoa, không nên có thói quen ngậm tăm, đặc biệt là khi ngủ. Nếu có dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện kiểm tra ngay để không gây hậu quả đáng tiếc.
Ngậm tăm xỉa răng rồi nuốt luôn không chỉ trường hợp bệnh nhân vừa nêu trên mà đã xảy ra ở một số người, gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn nhớ năm 2016, một bệnh nhân nam, 33 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh do có thói quen ngậm tăm tre lúc ngủ nên đã nuốt luôn tăm. Sau đó bệnh nhân bị đau bụng dữ dội và đi khám. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện một tăm tre nằm ngang vùng tá tràng D2, xuyên thủng lòng ruột nửa trong nửa ngoài. May mắn qua nội soi bệnh nhân đã được các bác sĩ lấy dị vật thành công.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 41 tuổi ở Nghệ An bị đau bụng dữ dội 2 ngày liền, kèm theo buồn nôn, mệt mỏi. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện có một dị vật trong dạ dày, ban đầu nghi là xương. Tuy nhiên đó lại là một que tăm nhọn dài 7cm, gần bị oxi hóa, nằm ở mặt sau hành tá tràng, một đầu nhọn cắm vào thành ruột gây chảy máu. Lúc này, người bệnh mới nhớ lại cách đó 3 ngày, sau khi xỉa răng, ông ngậm tăm rồi ngủ quên nhưng không nghĩ là lúc ngủ đã nuốt phải tăm, cho đến khi thấy đau bụng và nôn dữ dội mới đi khám.
Theo các chuyên gia, khi vô tình nuốt phải dị vật bằng gỗ hầu hết bệnh nhân bị đau bụng, khoảng 7% bệnh nhân có chảy máu đường tiêu hóa. Nếu không may nuốt phải các dị vật như tăm tre có thể gây các biến chứng như thủng đường tiêu hóa, tắc nghẽn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, áp xe, hình thành rò tiêu hóa, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...