Xét nghiệm để phát hiện bệnh do nhiễm ký sinh trùng
Thứ năm - 11/04/2024 22:05
Nhiễm ký sinh trùng là một bệnh thường gặp và rất phổ biến hiện nay. Một số bệnh ký sinh trùng mà con người thường mắc phải như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn...
Theo nghiên cứu có khoảng 70 - 80% người dân nhiễm ít nhất một loại giun/sán nào đó. Tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí của nó ký sinh trong cơ thể người mà có những tác hại khác nhau. Nhiều trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Nguyên nhân gây bệnh ký sinh trùng Ký sinh trùng thường có ở trái cây, rau sống, thức ăn nhanh, thực phẩm tái chưa chín hoặc các món ăn sống như gỏi, tiết canh, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ. Ăn uống là con đường nhiễm ký sinh trùng phổ biến, ký sinh trùng có thể xâm nhập trực tiếp qua da, tiếp xúc trực tiếp hoặc ở một số vật nuôi cũng là yếu tố gây ra một số bệnh ký sinh trùng nguy hiểm đối với cơ thể con người. Nhóm bệnh ký sinh trùng thường gặp Hiện có nhiều loại ký sinh trùng, trong đó ở nước ta thường có 4 nhóm sau: - Nhóm bệnh giun truyền qua đất: Bệnh giun đũa, bệnh giun tóc, bệnh giun móc. - Nhóm bệnh giun đường ruột: Bệnh giun lươn, bệnh giun kim. - Nhóm bệnh sán lá truyền qua thức ăn: Bệnh sán lá gan, bệnh sán lá phổi, bệnh sán lá ruột. - Nhóm các bệnh giun, sán lây truyền từ động vật sang người: Bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun xoắn. Phòng bệnh do nhiễm ký sinh trùng Để chủ động phòng bệnh, mọi người cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, thực hiện tẩy giun định kỳ… Mỗi người cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh để ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập cơ thể như: rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với các chất bẩn; không đi chân đất, luôn đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với đất cát bẩn; kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến; đeo găng tay, rửa sạch tay sau khi sơ chế thực phẩm; không dùng chung các dụng cụ chế biến đồ sống và đồ chín; ăn chín, uống chín... Mọi người nên chủ động khám, xét nghiệm giun sán định kỳ mỗi năm từ 1 – 2 lần. Theo các bác sỹ khuyến cáo, “Điều kiện tốt nhất để hạn chế việc lây nhiễm bệnh do ký sinh trùng là tẩy giun theo định kỳ cho tất cả mọi người trong gia đình. Với trẻ trên 2 tuổi cần tẩy giun định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám trước khi tẩy giun. Có một số đối tượng phải có chỉ định của bác sĩ mới được uống thuốc tẩy giun như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mắc các bệnh mãn tính…” Với những gia đình có nuôi chó mèo, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo. Hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm; không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân; rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo. Ngoài ra, cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo 3 tháng/lần theo hướng dẫn của bác sỹ thú y. Khi nào cần làm xét nghiệm ký sinh trùng? Khi nào cần làm xét nghiệm ký sinh trùng là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Thực tế cho thấy xét nghiệm ký sinh trùng là cách để chẩn đoán bệnh vi sinh - ký sinh trùng, nhằm giúp người bệnh có kết quả chính xác nhất về tình trạng bệnh đang mắc phải. Với những người mắc bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi thấy có nguy cơ mắc bệnh, dù là dấu hiệu nhỏ nhất, cũng nên đi xét nghiệm ký sinh trùng để chắc chắn mình có bị bệnh hay không. Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người Nhiễm ký sinh trùng có thể âm thầm hoặc có dấu hiệu cảnh báo, nhưng dễ trùng lặp với rất nhiều bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhiễm ký sinh trùng do đa dạng chủng loại nên cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, người nhiễm ký sinh trùng có thể gặp những biểu hiện dưới đây - Thấy ngứa ngáy khó chịu và dị ứng ngoài da. - Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày. - Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu. - Đầy bụng, khó tiêu. - Buồn nôn, nôn. - Chán ăn, tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì có thể chứa quá nhiều giun. - Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn. - Dị ứng (phát ban, nổi mề đay). - Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi). - Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu). - Trẻ em có một số triệu chứng như: Nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém… Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý do ký sinh trùng, mọi người cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dựa trên những triệu chứng và tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm phù hợp để phát hiện ký sinh trùng.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...