Dịp Tết Nguyên đán: Hãy đề phòng tai nạn bỏng ở trẻ em
Thứ năm - 23/01/2025 21:24
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm gia đình đoàn tụ, thời gian nghỉ dài, trẻ em cũng được nghỉ học vui chơi thoải mái. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm gia tăng các tai nạn thương tích do thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là tai nạn bỏng do nghịch pháo nổ, bỏng nước sôi từ các nồi canh, cháo, hay dầu mỡ đang chiên xào, cháy nổ các thiết bị điện tử...
Bệnh nhân N.T.D.T, 3 tuổi nhập viện với tình trạng bỏng nặng, sốc, suy hô hấp
Vừa qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng nặng do nghịch pháo nổ, bỏng nước sôi... Theo thống kê các năm trước đây, tỉ lệ trẻ bị bỏng tăng cao vào mỗi dịp Tết, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tự chế pháo nổ, chủ yếu là thanh thiếu niên học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội dẫn đến bị bỏng nặng. Dưới đây là một số thông tin về bỏng ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần quan tâm: Bỏng là gì? Bỏng là một tai nạn thường gặp. Bỏng không chỉ là một tai nạn ở ngoài da, mà trong những trường hợp nặng, nó còn gây nên những rối loạn lan rộng trong cơ thể; bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn sớm với các rối loạn về hệ huyết động chiếm ưu thế và giai đoạn sau đó với các vấn đề về thiếu dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. Dù có những tiến bộ trong việc điều trị, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao (khoảng 7% các trường hợp nhập viện). Việc điều trị đòi hỏi nhiều công sức, tốn kém, để lại di chứng nặng nề về thẩm mĩ và các chức năng. Những nguyên nhân gây bỏng trẻ em thường gặp Bỏng thường gặp nhất ở trẻ em là bỏng do chất lỏng nóng (chiếm hơn 70%), như nước sôi từ các loại đồ ăn (nồi canh, cháo, hoặc bình thủy…), do hơi nước, dầu mỡ nóng… Nguyên nhân đứng thứ 2 ở trẻ em là bỏng lửa: lửa xăng, lửa cồn, lửa gas, lửa bếp than, củi, nồi chảo còn nóng, pháo nổ…. Ngoài ra còn có các trường hợp bỏng điện (nhiều nhất là nguồn điện trong nhà, điện cao thế, từ sét đánh…). Một số ít trường hợp trẻ bị bỏng bởi các chất hóa học ăn mòn như axít, xút, do bất cẩn của người lớn khi cất giữ các loại hóa chất này. Những nơi dễ gây bỏng chủ yếu xảy ra ở khu vực nhà bếp hoặc nhà ăn; nơi tổ chức nấu nướng đám tiệc, nhà xưởng chế biến. Chủ yếu tai nạn xảy ra khi người lớn bất cẩn khi trông giữ trẻ, trẻ nghịch phá... Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng Vết thương bỏng được phân loại dựa trên độ sâu của da bị tổn thương, chia thành 4 mức độ như sau: + Độ I: phỏng thượng bì, lớp tế bào đáy còn nguyên. Da đỏ, rát như phỏng nắng. + Độ II: tổn thương toàn bộ lớp thượng bì, còn một phần tế bào đáy. Bóng nước tạo thành là do tách lớp thượng bì và trung bì. Nền bóng nước đỏ và còn cảm giác. Trong đó, độ II(a) thì lớp tế bào đáy còn toàn vẹn phần lớn, II(b) thì chỉ còn tế bào biểu mô ở phần sâu các nang lông và các tuyến mồ hôi. + Độ III: tổn thương lan đến lớp trung bì, lớp dưới da: không còn tế bào đáy, không còn lông móng, không còn cảm giác. Đáy thương tổn trắng bệch. + Độ IV: tổn thương sâu hơn đến lớp mỡ, cân, cơ, xương.
Sơ cứu trẻ bị bỏng
Sơ cứu là điều đầu tiên phụ huynh cần thực hiện khi phát hiện trẻ bị bỏng. Lưu ý, nếu trẻ bỏng ở mức độ nặng, cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức. Dưới đây là một số bước sơ cứu trẻ bị bỏng cơ bản:
Bước 1: Đưa trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng, đặt trẻ ở nơi an toàn, thoáng khí, khô ráo và cắt bỏ quần áo, đồ trang sức ở khu vực bị bỏng.
Nếu quần áo của trẻ bắt lửa, trẻ hoảng loạn, phụ huynh cần giữ yên trẻ nằm trên sàn, trấn an tâm lý. Dập lửa bằng cách trùm một tấm mền thô hoặc áo dày lên người trẻ. Sau đó, lăn trẻ trên sàn nhà cho đến khi lửa tắt hẳn rồi dội nước mát lên người trẻ.
Trẻ bị bỏng điện, điều đầu tiên là phải ngắt nguồn điện. Tiếp đó, dùng cây gỗ khô gạt bỏ dây điện ra khỏi người trẻ.
Trẻ bị bỏng do hóa chất, khi sơ cứu cần chú ý tránh để hóa chất dây vào người. Mẫu/chai/lọ hóa chất nên được giữ lại để hỗ trợ cho việc chẩn đoán, điều trị sau đó.
Bước 2: Đánh giá sơ qua về mức độ bỏng, kiểm tra trẻ còn tỉnh táo không, đường thở có thông thoáng không, trẻ có đang hô hấp khó khăn không, bỏng có ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu không, cơ xương tại vùng bỏng và những cơ quan khác có bị ảnh hưởng không,… Từ đó, lựa chọn phương hướng sơ cứu trẻ bị bỏng phù hợp. Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu trẻ bất tỉnh.
Bước 3: Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát chảy nhẹ nhàng trong ít nhất một phút, có thể kéo dài đến khi da hết rát. Có thể dùng gạc lau nhẹ vết bỏng để làm trôi dị vật, bùn đất bám trên vết bỏng. Lưu ý, không sử dụng nước đá, đá lạnh ngâm hay rửa vết bỏng, nước dùng rửa vết bỏng nên là nước sạch nhưng nếu không có sẵn, có thể thay thế bằng nước ao, nước hồ,… Các vùng còn lại của cơ thể cần được giữ ấm cẩn thận.
Không tự ý thoa kem dưỡng da, kem, thực phẩm (lòng trắng trứng, bơ, kem đánh răng, khoai tây, nước mắm, nước muối dưa cà,…) vào vết bỏng bởi điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên nguy hiểm hơn. Chọc vỡ bóng nước không giúp vết bỏng nhanh lành, ngược lại, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.
Bước 4: Băng, che phủ vết bỏng nhằm phòng ngừa nhiễm bẩn. Sau khi làm sạch vết thương, bố mẹ nên dùng băng gạc sạch, vải sạch, khăn mặt, khăn tay hoặc vải màn sạch để che phủ vết bỏng. Tiếp đó, dùng băng cuộn, băng vải hoặc băng thun để băng ép vết bỏng.
Bước 5: Giữ ấm, bù nước và điện giải.
Bước 6: Đưa trẻ đi cấp cứu.
Các biện pháp phòng ngừa bỏng ở trẻ
Tai nạn bỏng có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, do vậy chủ động phòng ngừa bỏng cho trẻ em là vô cùng cần thiết, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ bỏng cho trẻ em:
Cha mẹ cần giáo dục trẻ về sự nguy hiểm tiềm ẩn của các vật dụng có khả năng gây bỏng, hướng dẫn cách tự bảo vệ bản thân, không nghịch pháo nổ hay tiếp xúc với đồ vật nóng.
Luôn giám sát các hoạt động của trẻ, tránh để trẻ đến gần những đồ dễ gây bỏng, đặc biệt là trong khu vực nhà bếp, nơi nấu nướng.
Không để trẻ tự do tiếp xúc với các thiết bị điện, pháo nổ hay các chất dễ gây bỏng.
Sắp xếp đồ đạc, các vật dụng trong nhà hợp lý, đảm bảo an toàn cho trẻ: để phích cắm, ấm nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa ở trên cao, nơi trẻ không thể với tới, đặt bếp ở trên cao, khi nấu ăn xong, quay cán xoong, chảo vào phía trong.
Nếu pha nước tắm cho trẻ, phụ huynh đổ nước lạnh vào trước, sau đó thêm dần nước nóng, chú ý theo dõi nhiệt kế để đảm bảo nhiệt độ nước tắm phù hợp, không để nước nóng quá 50 độ C.
Không để trẻ đến gần bàn ủi, lò sưởi, bật lửa, diêm, các vật dụng đang cháy.
Lắp đặt và thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị báo khói.
Đảm bảo an toàn điện: kiểm tra định kỳ các thiết bị điện, thay mới/bảo trì đồ dùng điện khi có dấu hiệu hư mòn, ngắt khỏi nguồn điện khi không sử dụng, không cho trẻ đến gần/đùa nghịch với dây điện, lắp thiết bị ngắt mạch/nguồn điện./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...