Phòng tránh bệnh đường hô hấp mùa lạnh cho người cao tuổi

Thứ ba - 03/12/2024 01:47
Thời tiết trở lạnh là một trong những yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ở người cao tuổi. Các biểu hiện bệnh hô hấp thường gặp ở người cao tuổi (NCT) là viêm phế quản cấp, viêm phổi, các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),… Để phòng bệnh hô hấp khi trời lạnh, người cao tuổi cần chú ý các biện pháp bảo vệ sức khoẻ.
ĂN UỐNG ĐỦ CHẤT

Ăn uống đủ chất giúp người cao tuổi phòng nhiễm bệnh


Tại sao mùa lạnh, bệnh đường hô hấp dễ xuất hiện?
Hầu hết bệnh đường hô hấp do tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào theo đường không khí. Trong khi đó không khí có vô vàn vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi rút và vi nấm), hơn nữa lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển nhanh chóng. Mặt khác, sự phát triển bệnh ở người còn tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, NCT do sức đề kháng đã suy giảm nên rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, mùa lạnh, tỷ lệ  hút thuốc ở NCTtăng lên, vì họ cho rằng hút thuốc sẽ bớt lạnh. Đây là quan niệm sai lầm, bởi vì, khói thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các niêm mạc đường hô hấp (họng, khí, phế quản…), do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội. Hàng ngày người nghiện thuốc đã làm cho đường hô hấp tổn thương triền miên cho nên gây viêm đường hô hấp mạn tính, kéo dài. Vào mùa lạnh, càng hút nhiều nguy cơ viêm đường hô hấp càng tăng cao, thậm chí viêm họng, xoang, phế quản cấp tính càng dễ xảy ra. Trong trường hợp môi trường sống bị ô nhiễm, nhiều bụi, hoặc trong gia đình dùng bếp than, bếp củi, bếp dầu khói sẽ tác động xấu rất lớn đến đường hô hấp hoặc do nhà ở chật chội, không khí không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là vào mùa lạnh.
 Bên cạnh đó, một số NCT mắc bệnh mạn tính kéo dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết sẽ làm giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh.
Người cao tuổi, mùa lạnh dễ mắc những bệnh gì?
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh NCT hay gặp nhất gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng, ho, tức ngực, đôi khi gây khó thở. Nếu viêm họng, viêm xoang cấp có thể có sốt, đau đầu, khó chịu, ăn ngủ kém. Nếu NCT bị viêm họng mạn tính kéo dài (thường gọi là viêm họng hạt), hoặc viêm mũi mạn tính rất dễ gây nên viêm xoang và khi thời tiết thay đổi, nhất là cảm lạnh (do tắm nước lạnh, đi ra khỏi nhà không mặc ấm, phòng ngủ không kín…) đều có khả năng bệnh tái phát trở lại. NCT vào mùa lạnh rất dễ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là do “cảm lạnh” sau khi tắm nước lạnh, đi ra đường bị mưa ướt hoặc mặc không đủ ấm, không đi tất tay, chân hoặc không có khăn quàng cổ đủ ấm.
Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT, thân nhiệt thường không tăng cao (không sốt cao) như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, dễ khiến bệnh nặng. Một số bệnh mạn tính, mùa lạnh rất dễ tái phát như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), những loại bệnh này ở người cao tuổi vào mùa lạnh rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính, nếu cấp cứu không kịp thời tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.
Cần chú ý phòng bệnh:
1. Giữ ấm cơ thể
- Mặc ấm, đặc biệt chú ý đến vùng cổ, ngực, tay, chân.
- Sử dụng khăn quàng, mũ, tất, găng tay khi ra ngoài trời lạnh.
- Hàng ngày tắm, rửa nên dùng nước ấm (nếu có đèn sưởi trong nhà tắm càng tốt). Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn quần, áo sạch, tất, khăn quàng cổ để khi tắm xong lau người thật khô và mặc quần áo, quàng khăn, đi tất ngay.
2. Duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống
- Để giúp phòng tránh bệnh đường hô hấp, hàng ngày cần vệ sinh họng, miệng, răng sạch sẽ thường xuyên (đánh răng đều đặn sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy). Tốt hơn nữa là súc họng bằng nước muối sinh lý. Những trường hợp dùng răng giả cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ hàng tuần không để bám dính nhiều cặn, thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa virus, vi khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh.
- Làm sạch nhà cửa, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc. Phòng ngủ đảm bảo thông thoáng nhưng tránh gió lùa. Lưu ý  không dùng bếp than, bếp củi để sưởi nhất là nhà kín cửa sẽ rất nguy hiểm (do có thể bị ngộ độc khí thải từ than).
3. Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng
-  Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú trọng thực phẩm giàu vitamin C, D, kẽm như cam, quýt, cá, trứng…
- Uống đủ nước ấm để giữ ẩm niêm mạc đường hô hấp.
- Hạn chế rượu bia, đồ uống lạnh, hoặc thức ăn có tính hàn.
- Có thể bổ sung các loại vitamin (theo chỉ định của bác sĩ) để tăng cường miễn dịch.
4. Tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Người cao tuổi nên tiêm các vắc xin như cúm, phế cầu, ho gà,… để phòng bệnh.
5. Giữ lối sống lành mạnh:
-  Vận động nhẹ nhàng hàng ngày để cải thiện tuần hoàn máu và tăng sức đề kháng. Duy trì luyện tập thể dục hàng ngày, chọn các bài tập nhẹ nhàng phù hợp với sức khoẻ và tránh nơi có gió.
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài.
- Tránh khói thuốc lá.
6. Theo dõi sức khỏe thường xuyên
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh mạn tính (COPD, hen suyễn). Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp cần đưa người cao tuổi đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh. Đồng thời xác định các bệnh căn bệnh kèm theo để có hướng điều trị thích hợp. Nếu điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ nhanh chóng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm./.
Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây