Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày toàn cầu ghi nhận hơn 3.500 người tử vong do viêm gan virus (còn gọi là viêm gan siêu vi). Đáng lo ngại, con số này đang tiếp tục gia tăng và các nước cần hành động khẩn cấp để ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ 2 thế giới này.
Viêm gan vi rút là tình trạng gan bị vi rút xâm nhập và tấn công khiến cho các tế bào gan bị viêm và tổn thương. Có 5 loại vi rút viêm gan, trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt vi rút viêm gan B và có đường lây truyền tương tự như vi rút viêm gan B. Vi rút viêm gan A và E lây truyền qua đường tiêu hoá do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ hai thế giới, sau bệnh lao phổi. Bệnh thường diễn ra thầm lặng. Hầu hết các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng, dẫn đến việc một số người mắc bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, tổ chức y tế thế giới khuyến cáo “Hãy thường xuyên kiểm tra tình trạng gan, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”. Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là vi rút viêm gan B (HBV), vi rút viêm gan C (HCV), hai loại vi rút này khi xâm nhập vào cơ thể thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng như xơ gan, ung thư gan, gây tử vong cao. Để phòng bệnh viêm gan vi rút, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đối với bệnh Viêm gan vi rút B, C và D:
1.Trẻ em và người lớn cần được tiêm vắc xin Viêm gan vi rút B đúng lịch và đủ số mũi tiêm sớm nhất có thể để phòng ngừa bệnh Viêm gan vi rút B và D.
2.Bà mẹ trong quá trình mang thai cần đi khám thai đầy đủ và làm xét nghiệm vi rút viêm gan B để phòng lây truyền từ mẹ sang con.
3.Đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm của máu.
4.Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da: xăm mình, xỏ khuyên,…
5.Không dùng chung vật dụng cá nhân: dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng…
6.Thực hiện an toàn tình dục.
7.Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của người bệnh nhiễm viêm gan B.
8.Ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể thao hợp lý.
WHO nhận định cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng kịp thời vắc-xin viêm gan B. WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần. Đối với Viêm gan vi rút A và E:
1. Chủ động tiêm vắc xin viêm gan A cho trẻ em và người lớn để dự phòng; đặc biệt đối với người có nguy cơ cao nhiễm vi rút Viêm gan A như: gia đình có người mắc viêm gan A; bản thân đang mắc các loại viêm gan vi rút B, C; đi đến nơi có dịch bệnh Viêm gan A lưu hành.
2.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước. Xử lý phân, chất thải của người bệnh; rác thải, nước thải…đúng quy định.
3.Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người bệnh.
4.Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín.