Bệnh KAWASAKI: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Thứ hai - 27/05/2024 22:10
Bệnh Kawasaki (KD) là một trong những bệnh lý mạch máu phổ biến ở thời thơ ấu chỉ sau viêm mạch immunoglobulin A (IgA).
Tỷ lệ mắc bệnh KD cao nhất ở trẻ em sống ở vùng Đông Á hoặc có tổ tiên là người châu Á sống ở các khu vực khác trên thế giới. Bệnh được bác sỹ Kawasaki mô tả lần đầu tiên ở Nhật vào năm 1967. Bệnh đặc trưng bởi sốt, viêm da niêm mạc, hạch cổ lớn, tổn thương động mạch vành.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa xác định được. Sự xâm nhập của tế bào viêm vào mô mạch dẫn đến tổn thương mạch máu, nhưng tác nhân kích thích sự xâm nhập gây viêm này vẫn chưa được xác định.
 bệnh Kawasaki 1
Ban đỏ khi trẻ mắc bệnh Kawasaki

Biểu hiện bệnh
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đó là khởi phát đột ngột sốt cao, kèm theo nổi ban đỏ rải rác toàn thân, viêm kết mạc không xuất tiết hai bên (mắt đỏ nhưng không có ghèn, không chảy nước mắt), môi đỏ, nứt, lưỡi đỏ như quả dâu, hạch cổ lớn bất thường 1 bên (>1,5 cm), bàn tay, bàn chân phù cứng đỏ. Khoảng 50% trẻ có viêm đỏ tại vị trí chích ngừa vaccin phòng lao. Khoảng từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 của bệnh, hầu hết trẻ có bong da ở đầu các ngón tay, các ngón chân, có thể lan ra lòng bàn tay, lòng bàn chân. Nếu không được điều trị, sốt thường kéo dài từ 1 đến 3 tuần.
 bệnh Kawasaki 2
 
 bệnh Kawasaki 3
Trẻ bị viêm kết mạc (mắt đỏ), môi đỏ, nứt, lưỡi dâu

Đối tượng nguy cơ
- Nhiễm trùng: vi khuẩn và vi rút như như parvovirus B19, ropionibacterium, bocavirus ở người.
- Mùa: Có sự gia tăng theo mùa vào mùa đông và mùa hè.
- Con trai dễ mắc bệnh hơn con gái.
- Yếu tố gia đình: Anh chị em của trẻ em mắc bệnh có nhiều nguy cơ phát triển bệnh.
- Lứa tuổi: Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng hiếm gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Địa dư: tỷ lệ mắc cao ở trẻ em sống ở Đông Á.
Biến chứng, điều trị và phòng ngừa
Biến chứng của bệnh thường là sốc, nghiêm trọng hơn là phình động mạch vành, nhồi máu cơ tim gây tử vong. Viêm thận kẽ cấp tính, protein niệu nhẹ và chấn thương thận cấp tính (AKI). Điều trị bằng chuyền Immunoglobulin liều cao làm giảm tỷ lệ phình động mạch vành từ 25% nếu không được điều trị xuống còn 5%.
Điều trị bệnh Kawasaki bằng cách chuyền Immunoglobulin tĩnh mạch hoặc dùng Aspirin theo đường uống. Bệnh nhân bị bệnh Kawasaki cần được bác sỹ tim mạch nhi theo dõi định kỳ.
Hiện nay bệnh Kawasaki không có cách phòng bệnh đặc hiệu, chỉ có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp tránh biến chứng của bệnh./.
BS CKII. Võ Đức Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây