Phụ huynh lo lắng nguy cơ ngộ độc từ hàng rong, quà vặt trước cổng trường
Thứ năm - 09/05/2024 21:45
Hiện nay nhiều hàng rong bán đồ ăn vặt xuất hiện trước cổng các trường học trên địa bàn thành phố. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc xử lý nhằm tránh nguy cơ xảy ra ngộ độ thực phẩm, nhất là trong thời điểm nắng nóng này.
Ghi nhận tại nhiều trường học ở TP. Đà Nẵng có rất đông học sinh sau giờ học là tấp vào các hàng quán hàng rong mua nhanh các thực phẩm chế biến sẵn như bánh tráng trộn, bánh mì, cá viên chiên, lạp xưởng nướng đá, kem ốc quế, kẹo chỉ tơ hồng, cơm cuộn, trà sữa…. Nắm bắt tâm lý thích ăn quà vặt của học sinh, những xe lưu động với đủ loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chế biến sơ sài, không đảm bảo vệ sinh như: cá viên chiên, lạp xưởng nướng đá, kem ốc quế, bò bía ngọt, kẹo chỉ tơ hồng, cơm cuộn… tập trung trước các cổng trường học khá nhiều. Qua ghi nhận, phần lớn xe bán hàng rong đều chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè, lòng đường đầy khói bụi, không được người bán che chắn cẩn thận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Các gánh hàng rong thu hút khá nhiều học sinh
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn phải các thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và tìm cách ứng phó cho con của mình. Chị Trinh (50 tuổi, có con học tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, quận Thanh Khê), cho biết, chị rất lo lắng với tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây. "Mỗi ngày đi học, tôi dặn dò con mình chỉ ăn các thực phẩm được bán tại căng tin của trường và tuyệt đối không mua thức ăn tại các hàng rong trước cổng trường để hạn chế ngộ độc thực phẩm", chị Trinh chia sẻ. Cũng lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm do nắng nóng kéo dài từ các quầy hàng rong, chị Thắm (36 tuổi, ngụ tại Quận Sơn Trà) cho hay: "Thật sự tôi rất ái ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các món ăn được bán bởi các gánh hàng rong trước cổng trường. Các món thường nhiều dầu mỡ, đường, không tốt cho sức khỏe của học sinh, đồng thời cũng không đảm bảo vệ sinh như thức ăn ở nhà. Do vậy, tôi thường chế biến các món ăn mà con mình thích tại nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe". Tương tự, chị N.M.T có con học lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Thức ăn ở trước cổng có nhiều món lạ nên học sinh rất thích ăn thử. Tôi lo ngại về vấn đề vệ sinh nên thường dặn con không mua và sử dụng những loại thực phẩm đó. Tuy nhiên, con vẫn ăn khi được bạn bè mời nên bố mẹ cũng hết sức lo lắng”.
Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ
Trước tình trạng các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp gần đây, ngành y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm và lưu ý hơn trong việc cho mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn khi đi học. Đặc biệt tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Các chuyên gia khuyến cáo, Những ngày thời tiết giao mùa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm. Đặc thù của thức ăn đường phố rất đáng lo vì đây là những hàng quán di động, khó đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập. Do vậy các địa phương cần phải tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu… Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các quầy hàng rong, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm các lớp chủ động phối hợp với phụ huynh cùng nhắc nhở để các em hiểu được mối nguy hại và tránh xa thực phẩm bẩn. Các phòng Y tế quận huyện trên địa bàn thành phố cho hay đã chỉ đạo các phường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình hình kinh doanh thức ăn, buôn bán hàng rong trước cổng trường để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trong đợt cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8. Đồng thời, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để thanh tra, kiểm tra các hàng quán xung quanh các trường học và xử lý triệt để nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến cáo: - Chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn. - Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. - Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C. - Ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. - Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. - Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại. - Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. - Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn. - Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. - Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... - Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. - Phản ánh cho các đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. - Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...