Hội nghị giao ban Công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ sáu - 26/04/2024 05:25
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản Quý 1 năm 2024 nhằm đánh giá kết quả hoạt động 3 tháng đầu năm 2024 và thảo luận một số nội dung cần cải thiện trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.
          Trong 3 tháng đầu năm, hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản được các tuyến chủ động lên kế hoạch, tổ chức thực hiện và ngày càng đi vào quy cũ và có chất lượng. Các đơn vị liên quan trong ngành y tế đã phối hợp tốt, đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và cộng tác viên Y tế - Dân số thành phố có sự ổn định. Hệ thống quản lý báo cáo thống kê y tế dần có sự liên kết, sàng lọc được dữ liệu nên việc thu thập, phân tích số liệu thuận lợi hơn. Nhiều chỉ tiêu đánh giá đã được bổ sung vào phần mềm báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, nhân sự quản lý lãnh đạo trực tiếp cũng như cán bộ đầu mối các tuyến có tâm huyết và trách nhiệm cao với công tác chăm lo sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ khoa Sức khỏe sinh sản của Trung tâm có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động chỉ đạo tuyến nên các hoạt động được triển khai thuận lợi và đúng tiến độ.
 
picture1
Bs.CK1. Trần Nguyễn Thu Thảo – PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khai mạc hội nghị

          Các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em mang tính truyền thống (quản lý thai nghén; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu, nuôi con bằng sữa mẹ…) triển khai nhiều năm vẫn duy trì ổn định về chất và lượng. Số phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trở lên trong 3 thời kỳ là 3.045/3.142 phụ nữ, đạt 96,9 %; Số bà mẹ, trẻ sơ sinh được cán bộ y tế chăm sóc trong tuần đầu sau sinh là 3.140/3.142, đạt 99,9 %; Số bà mẹ, trẻ sơ sinh được chăm sóc thiết yếu trong và ngay sau đẻ (EENC) là 3.123/3.165, đạt 98,7 %; Số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ là 3.138/3.142,  đạt 99,9 % (có 4 ca đẻ rơi ngoài cơ sở y tế: Bệnh viện Phụ sản Nhi: 01 ca, Cẩm Lệ: 01 ca, Liên Chiểu: 02 ca). Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phấn đấu liên quan các nội dung hoạt động mới triển khai (phòng chống ung thư Cổ tử cung, ung thư vú; dự phòng bệnh lây truyền mẹ - con) còn chưa đạt mong đợi. Chẳng hạn, số phụ nữ trong độ tuổi 30-54 được sàng lọc ung thư cổ tử cung là 23.852/215.428, đạt 11,1%; Số phụ nữ từ 40 - 61 tuổi được sàng lọc ung thư vú là 16.323/138.522, đạt 11,8 %. Bên cạnh đó, tỷ lệ mổ đẻ còn cao vẫn chưa cải thiện được, toàn thành phố có 1.933/3.142 ca mổ đẻ, chiếm 61,5 % tăng 0,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, Bệnh viện Phụ sản Nhi: 879/1.482 ca, chiếm 59,3 %, giảm 0,5 % so với cùng kỳ 2023; Bệnh viện tuyến quận, huyện: 211/400 ca, chiếm 52,8%, giảm 3,9 % so với cùng kỳ 2023; Bệnh viện tư nhân: 844/1.256 ca, chiếm 66,9 %, tăng 2,8 % so với cùng kỳ 2023.

 
picture2
Bs.CK1. Trần Thị Dạ Thảo – Trưởng khoa SKSS -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo cáo sơ kết

          Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rất nhiều hoạt động như: Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế phòng khám tư nhân thuộc lĩnh vực sức khỏe sinh sản; Tham gia nói chuyện về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho hai trường trung học phổ thông và trung học cơ sở: Phan Châu Trinh và Nguyễn Thị Định; Tiếp tục tham gia Đề tài nghiên cứu cấp thành phố cùng Đại học kỹ thuật y dược Đà Nẵng “Khảo sát nhu cầu sức khoẻ sinh sản của phụ nữ mãn kinh thành phố Đà Nẵng, triển khai và đánh giá bước đầu một số giải pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống của phụ nữ mãn kinh”; Phân phát Tài liệu Hướng dẫn truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 07 TTYT quận/huyện.
          Ngoài các kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn thành phố cũng còn những khó khăn như: Một số đơn vị thay đổi chuyên trách báo cáo nên chất lượng báo cáo chưa đáp ứng đạt yêu cầu; Yêu cầu chỉ đạo tuyến về sức khỏe sinh sản đòi hỏi cán bộ có trình độ cao của chuyên ngành sản - nhi nhưng việc thu hút đối tượng này tại đơn vị còn gặp khó khăn; Việc quản lý sức khỏe bà mẹ -trẻ em nói riêng cũng như quản lý sức khỏe cộng đồng nói chung chưa ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả nên việc phối hợp kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý khó khăn, chưa lọc loại được dữ liệu trùng lắp, thiếu sót.
          Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung các can thiệp thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em để giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ em; trong đó duy trì chất lượng quản lý thai; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời; chăm sóc thiết yếu sớm bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ, sau mổ; thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và duy trì 05 đơn vị đã được công nhận Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc (Bệnh viện Phụ sản - Nhi; Bệnh viện Gia Đình; TTYT quận Hải Châu; TTYT quận Cẩm Lệ và TTYT quận Sơn Trà); Tiếp tục thúc đẩy các nội dung như: triển khai chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe sinh sản nữ công nhân lao động; sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú./.
Anh Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây