6 2 banner2 1

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chống bệnh Lao

Thứ tư - 10/04/2024 03:11
Sáng 8/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao. Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng có ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố; Đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc mạng lưới chống Lao trên địa bàn thành phố.
Hội nghị Lao 1
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh Lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến COVID. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc Lao trên toàn cầu.
Số bệnh nhân Lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, cao hơn mức trước COVID (và mức đỉnh lịch sử trước đó) là 7,1 triệu vào năm 2019 và cao hơn từ 5,8 triệu vào năm 2020 và 6,4 triệu vào năm 2021. Đồng thời, bệnh Lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong trong năm 2022. Con này đã giảm so với ước tính trước đó của WHO là 1,4 triệu trong năm 2020 và 2021, và gần như quay trở lại mức số ca tử vong của năm 2019.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao. Năm 2022, WHO ước tính Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc Lao và khoảng 13.000 người tử vong do Lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh Lao, Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tình hình dịch tễ bệnh Lao tại Việt Nam còn rất nặng. Số bệnh nhân Lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân Lao ước tính. Tỷ lệ bệnh nhân Lao được chữa khỏi hoàn toàn là trên 90%, Lao kháng thuốc là 75%.
Đáng chú ý, hiện có khoảng 40% ca Lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân Lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn Lao.
Hiện nay, Chương trình chống Lao quốc gia đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm, nhất là trong những nhóm có nguy cơ cao (phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV...); áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị, thuốc mới nhất.
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đã có nhiều ý kiến tham luận, trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống Lao trong thời gian qua. Theo đó, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoạt động phòng chống Lao năm 2024 đạt hiệu quả. Đồng thời, hướng tới mục tiêu là khống chế bệnh Lao, duy trì, thực hiện theo phương châm “Phòng – Chống bệnh Lao bằng điều trị có kiểm soát trực tiếp chất lượng cao”, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh Lao vào năm 2035.
Hội nghị Lao 1
Hình ảnh các điểm cầu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành liên quan các cấp cần có giải pháp, chính sách khả thi ứng phó quyết liệt phòng, chống Lao, để giảm chi phí điều trị bệnh Lao, giảm gánh nặng cho ngành y tế….
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về tình hình bệnh Lao trong năm 2025; khẩn trương nghiên cứu phương pháp, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá phát hiện, xét nghiệm, phác đồ điều trị, để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc bố trí từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội dành cho các hoạt động thuộc chương trình phòng, chống Lao; đồng thời, lưu ý phải thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống Lao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xét nghiệm nhanh, đại trà về bệnh Lao; kết hợp với y học cổ truyền để có các phác đồ điều trị mới nhất; phát triển ứng dụng dành cho bệnh nhân Lao.
Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Lao, chủ động khám sàng lọc, phòng ngừa; tiếp tục huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống Lao; tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh Lao; và tăng cường vai trò của các tổ chức, hội người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, nông dân trong triển khai chương trình phòng chống Lao tại địa phương…./.
Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây