Đà Nẵng tăng cường mở rộng các mô hình điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP

Thứ sáu - 26/04/2024 05:20
PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tại Thành phố Đà Nẵng đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) từ năm 2021 và trong thời gian tới sẽ mở rộng mô hình điều trị, đa dạng hóa các kênh, các hình thức cung cấp thuốc PrEP nhằm thu hút ngày càng đông người tiếp cận dịch vụ này.
picture3
Bác sĩ điều trị kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc và  tư vấn tuân thủ điều trị.

Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 97%
          Chị T.B.T.T (32 tuổi, ngụ ở Huyện Hòa Vang) cho hay do đang sống chung với bạn tình là người có HIV nên qua các kênh truyền thông, Chị tìm đến với dịch vụ điều trị PrEP tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng). Đây là lần đầu tiên đến với dịch vụ này nên Chị T. phải làm các xét nghiệm ban đầu như XN sàng lọc HIV, men gan… Sau khi đủ các điều kiện, quan trọng nhất là Chị T. vẫn đang âm tính với HIV nên được lập hồ sơ để đưa vào chương trình điều trị và được tư vấn về cách uống thuốc, những tác dụng phụ khi điều trị.
          Trường hợp Anh H.T.D (24 tuổi, tạm trú ở Quận Liên Chiểu) cho biết, anh đã điều trị PrEP được một năm qua, việc sử dụng PrEP giúp bảo vệ sức khoẻ của anh và bạn tình phòng tránh được nguy cơ nhiễm HIV. Đặc biệt, dù lợi ích như vậy song thuốc điều trị và các xét nghiệm lại đang được cấp miễn phí, không phải lo lắng về chi phí điều trị và khi sử dụng thuốc anh chưa gặp tác dụng phụ của thuốc.     
          Từ đầu năm 2024 đến nay phòng khám điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng PrEP tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận điều trị PrEP cho 205 khách hàng mới, tiếp nhận 138 khách hàng quay lại điều trị và 1.338 khách hàng tái khám. Khách hàng đến với phòng khám là những người có quan hệ đồng giới, người có vợ/chồng bị nhiễm HIV/AIDS, một số người âm tính với HIV/AIDS nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao….
          Việc triển khai các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói chung và điều trị PrEP nói riêng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi như: Lượng khách hàng tiềm năng tương đối cao, có sẵn mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng (Nhân viên tiếp cận cộng đồng), cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ v nhiều kinh nghiệm, thời gian hoạt động của đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực HIV/AIDS linh hoạt, thân thiện gần gũi và chuyên nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng dễ tiếp cận.với dịch vụ hơn bên cạnh đó nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng của trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng là những người xuất phát từ cộng đồng nên tạo được nhiều niềm tin cho khách hàng. 
 
picture4
Tư vấn, khám  đánh giá ban đầu và tư vấn cho khách hàng trước khi tham gia điều trị PrEP.

          PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 97% khi rơi vào tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao. Những người có nguy cơ cao muốn được điều trị dự phòng cần được sự tư vấn, khám, xét nghiệm tại các cơ sở điều trị. 
          “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng PrEP là sử dụng thuốc ARV nếu dùng mỗi ngày có hiệu quả cao, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 97%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới… được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng này. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị dự phòng nên đòi hỏi người tham gia phải tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn. Nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả”,
Đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP
          Tính đến tháng 4/2024 tại Đà Nẵng, lũy tích bệnh nhân tham gia điều trị PrEP là 2.376, số bệnh nhân tham gia điều trị trong thời gian qua đã vượt chỉ tiêu thành phố giao hàng năm. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 02 phòng khám điều trị PrEP phối hợp với các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) đang hoạt động (01 phòng tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng địa chỉ 118 – Lê Đình Lý - Vĩnh Trung – Thanh Khê; 01 phòng khám điều trị PrEP phối hợp điều trị ngoại trú bệnh nhân HIV/AIDS địa chỉ tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Số 525 Tôn Đức Thắng, Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
         Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng (PrEP) cho khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn có những hạn chế nhất định.
               1) Do tình hình biến động dân số, thay đổi theo mùa (Mùa du lịch) gây khó khăn trong việc quản lý, tiếp cận chăm sóc khách hàng,
               2) Hiện nay PrEP chỉ đến được với bộ phận nhỏ người dân chứ chưa bao phủ rộng rãi đến các khách hàng ở nông thôn, công nhân trong các khu công nghiệp.
               3) Bên cạnh đó là sự kỳ thị đối với nhóm người có hành vi nguy cơ cao.
          Để khắc phục những khó khăn này trong thời gian tới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng sẽ tận dụng những nguồn lực sẵn có và sự hỗ trợ của các dự án đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân, đa dạng hóa các kênh, các hình thức cung cấp thuốc PrEP nhằm thu hút ngày càng đông người tiếp cận dịch vụ, tham gia điều trị hiệu quả, góp phần giảm thiểu HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng.
Ngọc Chương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây