Hòa Vang giám sát, hỗ trợ phòng bệnh Tay chân miệng tại các trường mầm non
Thứ sáu - 19/04/2024 03:20
Thời gian gần đây, bệnh Tay chân miệng ở trẻ trên địa bàn huyện Hòa Vang đang diễn biến hết sức phức tạp với số lượng ca bệnh và ổ dịch nhỏ gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm đến ngày 14/4, toàn huyện ghi nhận 47 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn 1.7 lần so với cùng kỳ năm 2023, các trường hợp mắc tập trung nhiều ở các xã Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa tiến, Hòa Nhơn....
Giám sát, hỗ trợ phòng chống tay chân miệng tại các trường mầm non
Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng lây lan nhất là trong các cơ sở giáo dục mầm non, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác giám sát, hỗ trợ phòng bệnh Tay chân miệng tạicác điểm trường mầm non có tổ chức hoạt động dạy và học trên địa bàn huyện. Trong đợt này, Trung tâm sẽ thực hiện giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh Tay chân miệng tại 11 điểm, trong đó gồm 7 trường mầm non công lập và 4 trường mầm non tư thục. Ngoài các nội dung kiểm tra giám sát công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ, vệ sinh môi trường tại các trường cũng như kiến thức phòng chống dịch bệnh của giáo viên/ người chăm sóc trẻ, Trung tâm Y tế huyện chú trọng đến công tác tuyên truyền về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống bệnh tại trường. Đặc biệt là thực hành tốt khuyến cáo 3 sạch của ngành y tế: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Thường xuyên thực hành vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng tại các bếp ăn tập thể nhà trường. Thực hiện vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời, tuyên truyền các triệu chứng chính của bệnh tay chân miệng, các dấu hiệu trở nặng của bệnh như: sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh để người dân/người chăm sóc trẻ/cô giáo có thể tự phát hiện sớm ca bệnh và đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Theo khuyến cáo của ngành y tế, thời tiết nắng nóng điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát triển và đặc biệt là bệnh tay chân miệng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước bệnh tay chân miệng khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, thì việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình trong chăm sóc trẻ là rất cần thiết. Cha mẹ cũng như cô giáo cần theo dõi sát trẻ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý kịp thời và phòng tránh bệnh lây lan./.