Cách phòng chống và sơ cứu đúng cách khi bị đuối nước

Thứ năm - 27/06/2024 03:02
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động thương bình và xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Đuối nước là gì?
Đuối nước (hay còn gọi ngạt nước) là tình trạng suy hô hấp khi chìm trong nước do hít phải nước hay do sự có thắt thanh quản, dẫn đến thiếu oxy não, phù não, tăng áp lực nội sọ, rối loạn nhịp tim và ngừng tim gây tử vong.
Nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ
- Do thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là để bé chơi một mình nên dễ bị đuối nước ngay tại nhà.
- Do trẻ tự ý đi bơi, tắm ở hồ, ao, sông suối không có người lớn đi cùng.
- Do nơi trẻ sống có nhiều nguy cơ gây đuối nước như ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ nước sâu, bãi biển có vùng nước xoáy mà không có cảnh báo.
- Một nguyên nhân rất quan trọng là đa số trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Làm gì khi trẻ bị đuối nước?
Khi bị ngạt nước, sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não ở trẻ. Cách sơ cứu đúng như sau:
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi.
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao cho trẻ hoặc vớt trẻ lên.
- Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở, hãy tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng hai cái chậm. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không, nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 cấp cứu viên) hoặc 30/2 (1 cấp cứu viên) và phải tiếp tục các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế gần nhất (lưu ý trong trường hợp người sơ cứu không có kinh nghiệm về cấp cứu ngưng tim ngưng thở, cần nhanh chóng liên hệ trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời).
cấp cứu đuối nước

+ Nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu có nôn ói
CC đuối nước

- Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên trẻ chăn mền hay tấm khăn khô.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. Trên thực tế, nhiều trẻ bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện là không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy.
Các sơ cứu không đúng bao gồm:
- Bỏ nhiều thời gian cho việc sốc nước: động tác dốc ngược là không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như ta vẫn thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
- Trẻ bị ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Cách phòng chống đuối nước
- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà.
- Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông.v.v...
- Trẻ em cần được giám sát bởi người lớn có đủ năng lực hành vi khi ở gần nguồn nước mở.
- Giáo dục trẻ em không chơi hoặc đến gần các nguồn nước mở, trừ khi được người lớn giám sát.
- Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
- Làm rào chắn an toàn ở những khu vực có nguy cơ đuối nước.
- Đặc biệt nên hướng dẫn tập bơi đúng cách cho trẻ.
- Không cho bệnh nhân động kinh bơi.
                                                          BS. Hà Quang Châu
                                                         Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây