Người bị thoái hóa khớp gối cần lưu ý gì khi đi bộ?
Thứ ba - 29/10/2024 21:52
Đi bộ là bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ nhàng, tác động trực tiếp đến khớp gối và sức khỏe toàn thân. Đi bộ đúng cách giúp kích thích khớp gối sản sinh dịch nhầy, từ đó cải thiện khả năng và phạm vi chuyển động. Tuy nhiên, với những trường hợp thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không, cần chú ý những gì?
Lợi ích của thói quen đi bộ với người bệnh thoái hóa khớp gối
Đi bộ là một trong những bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ nhàng và dễ thực hiện. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối có mức độ nhẹ đến trung bình nếu đi bộ thường xuyên có thể đem lại nhiều lợi ích như:
- Giúp làm chậm quá trình thoái hóa
Đi bộ thường xuyên có thể duy trì một lượng dịch nhầy ổn định trong ổ khớp, từ đó giúp làm giảm ma sát lên sụn khớp, làm chậm quá trình thoái hóa.
Ngoài ra, đi bộ thường xuyên còn tác động đến cột sống, khớp háng, khớp cổ chân, hạn chế bùng phát các vấn đề xương khớp như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, thoái hóa khớp háng.
- Ổn định cấu trúc khớp gối
Tình trạng sụn khớp bị bào mòn và xơ hóa có thể khiến ổ khớp mất ổn định, dễ phát ra âm thanh khi vận động. Tình trạng này kéo dài có thể làm tăng áp lực lên ổ khớp, kích thích quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng, khiến khớp đau nhức dữ dội.
Tuy nhiên, nếu đi bộ đúng cách thì cấu trúc khớp gối có thể được điều chỉnh và ổn định trở lại. Hoạt động thể chất còn kích thích màng hoạt dịch bài tiết dịch nhầy, giúp làm giảm ma sát khi vận động và tổ chức lại cấu trúc ổ khớp gối.
- Hạn chế tình trạng thừa cân – béo phì
Thừa cân – béo phì có thể làm tăng áp lực lên khớp gối, khớp cổ chân và vùng cột sống thắt lưng. Cân nặng vượt mức còn thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng, làm tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng, gout…
Đi bộ thường xuyên, đúng cách có thể điều chỉnh cân nặng ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Từ đó hỗ trợ ngăn chặn tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
Tuy nhiên, với những trường hợp thoái hóa khớp gối nặng, khớp sưng đau và phù nề nghiêm trọng thì người bệnh nên hạn chế đi bộ, tránh thực hiện các bộ môn tác động trực tiếp lên khớp gối như đạp xe, chạy bộ, gym… Thay vào đó nên bơi lội, tập dưỡng sinh để giảm áp lực lên khớp gối, tránh tác động xấu đến tiến triển của bệnh.
Trên thực tế cho thấy những người bị thoái hóa khớp gối có các biểu hiện đau cũng không nên đi bộ nhiều, thay vào đó tập luyện môn thể thao khác phù hợp như bơi lội, tập yoga, dưỡng sinh…
Đi bộ không đúng cách có thể khiến khớp gối đau nhức, phù nề.
Một số lưu ý đi bộ đúng ở người thoái hóa khớp gối
Người bị thoái hóa khớp gối có phạm vi và mức độ vận động kém hơn người khỏe mạnh. Do đó, để tránh cơn đau phát sinh khi đi bộ, người bệnh chú ý như sau:
- Chú ý về thời điểm đi bộ
Sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ là thời điểm tốt nhất để đi bộ, luyện tập thể thao. Đi bộ vào buổi sáng sẽ giúp khởi động hệ thống xương khớp, kích thích khả năng tập trung của não bộ, giảm hiện tượng đau nhức khớp gối trong ngày.
Trong khi đó đi bộ vào buổi tối trước khi ngủ sẽ giúp điều hòa cơ thể, hạn chế tình trạng khó ngủ, phòng ngừa cứng khớp, tê bì vào buổi sáng hôm sau.
- Lựa chọn trang phục khi đi bộ
Trước khi đi bộ cần chuẩn bị giày thể thao có kích cỡ phù hợp, chất liệu mềm và êm. Lựa chọn giày phù hợp có thể giúp bạn dễ dàng hơn khi đi bộ, giảm áp lực lên khớp gối.
Bên cạnh đó, cần thay trang phục rộng rãi, có độ co giãn tốt. Mặc quần áo chật, bó sát có thể sẽ cản trở quá trình vận động, gây khó chịu, khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Chú ý khi luyện tập
Với người khỏe mạnh, thời gian đi bộ có thể dao động từ 30 – 40 phút/ngày. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, các chuyên gia chỉ khuyến khích đi bộ với cường độ nhẹ nhàng, thoải mái trong thời gian tối đa 20 phút và cần chủ động ngưng đi lại khi khớp phát sinh cơn đau.
Với những trường hợp không tuân thủ tốc độ và thời gian đi bộ, khớp có thể bị đau nhức, sưng viêm, tăng tốc độ thoái hóa. Nếu có thể thì nên đi bộ cùng với người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ nếu phát sinh các tình huống rủi ro.
Lời khuyên thầy thuốc
Đi bộ đem lại nhiều lợi ích đối người bị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, trên thực tế đi bộ không đúng cách có thể khiến khớp gối đau nhức, phù nề, tăng tốc độ thoái hóa mô sụn. Vì vậy, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên có sự tư vấn của các bác sĩ trước khi lựa chọn môn thể thao kể cả đi bộ.
Trường hợp thoái hóa khớp gối nặng (khớp phù nề, đau nhức nghiêm trọng), đi bộ có thể khiến triệu chứng chuyển biến xấu và buộc phải can thiệp các biện pháp xâm lấn để cải thiện. Trong trường hợp này thì nên bơi lội, tập dưỡng sinh để tránh tác động xấu đến tiến triển của bệnh.
Trong trường hợp khớp gối bị đau kéo dài khi đi bộ, nên tham vấn y khoa để được tư vấn cụ thể. Trong trường hợp này bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân chuyển sang tập dưỡng sinh, bơi lội hoặc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu khác sẽ thích hợp hơn.
Tóm lại: Bệnh thoái hóa khớp gối chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, bên cạnh thói quen vận động, nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, ăn uống khoa học để ngăn chặn tiến triển và kiểm soát triệu chứng của bệnh./. Phước An (Theo Sk& ĐS)