Tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất giúp mẹ bảo vệ cho sức khỏe của mình cũng như thai nhi. Việc tiêm phòng đầy đủ cho người mẹ trước khi mang thai giúp tạo miễn dịch thụ động cho bé ngay sau khi chào đời.
Lợi ích của tiêm phòng trước khi mang thai
Việc chủ động tiêm phòng trước khi mang thai đem lại nhiều lợi ích đối với bà mẹ và thai nhi. Trong giai đoạn mang thai hệ miễn dịch của phụ nữ trở nên yếu hơn so với trước đây nên dễ mắc các bệnh lý và có thể lây nhiễm sang thai nhi, khiến cho thai kỳ phải chịu những ảnh hưởng không tốt. Tiêm phòng vaccine trước khi mang thai là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cả người mẹ và em bé. Bên cạnh đó nhờ người mẹ được tiêm phòng đầy đủ, các kháng thể từ mẹ được truyền sang thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ, giúp bé có miễn dịch với các bệnh truyền nhiễm trong những tháng đầu đời, khi hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Ngoài ra, việc tiêm phòng còn góp phần làm giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ như: Sảy thai, sinh non, thai nhi nhẹ cân… Khi mẹ được tiêm phòng đầy đủ thì em bé khi chào đời cũng có hệ miễn dịch tốt nhất. Đây là lớp lá chắn bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu mới sinh, cơ thể còn non nớt và dễ nhiễm bệnh. Với những lợi ích trên, chị em cần tìm hiểu và tiêm đầy đủ một số loại vaccine để chuẩn bị tình trạng sức khỏe tốt nhất trước khi mang thai.
Những vắc xin cần tiêm trước khi mang thai Vắc xin phòng Rubella: Phụ nữ mang thai nhiễm virus Rubella có thể bị sảy thai, sinh non, đồng thời virus Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể để lại di chứng đáng tiếc khi bé được sinh ra. Thời điểm tiêm phòng Rubella trước khi có thai 3 tháng. Vắc xin phòng sởi: Mắc sởi trong giai đoạn mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật ở thai nhi. Vì vậy, phụ nữ cần tiêm vaccine sởi trước khi mang thai 3 tháng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Vắc xin phòng quai bị: Đối với phụ nữ mang thai mắc quai bị sẽ dễ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ mắc dị tật càng cao khi mẹ bị quai bị giai đoạn mang thai 3 tháng đầu. Vắc xin quai bị tiêm trước khi mang thai 3 tháng. Hiện nay, có mũi tiêm 3 trong 1 ngừa sởi, quai bị và Rubella rất hiệu quả. Các chị em chỉ cần 1 mũi tiêm là có thể phòng ngừa được 3 bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai. Vắc xin phòng bệnh thủy đậu: Nếu trước đây mẹ chưa từng tiêm vắc xin thủy đậu hoặc chưa từng mắc thủy đậu thì nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu, bởi đây cũng là bệnh nguy hiểm có khả năng khiến trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh, bị dị tật đầu nhỏ, gồng cứng tay chân, bại não... Vắc xin phòng bệnh cúm: Phụ nữ mang thai nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Do đó, tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai là việc cần thiết. Thai phụ mắc cúm trong quá trình mang bầu cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, có nguy cơ khiến bé gặp dị tật, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối mang thai. Khi mẹ tiêm vắc xin phòng cúm sẽ giúp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh hay dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Vắc xin phòng cúm nên tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và sau đó nên tiêm nhắc lại hàng năm. Tóm lại: Việc tiêm phòng trước thai kỳ hiện đã được khuyến cáo bởi Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, tuy nhiên việc tiêm phòng trước khi mang thai là không mang tính bắt buộc. Nếu không được tiêm phòng trước khi mang thai, thai phụ khi mắc những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm thì em bé có nguy cơ bị lây truyền từ mẹ trong khi sinh hoặc bị dị tật bẩm sinh do biến chứng của bệnh, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí đe dọa sảy thai, sinh non. Vì vậy, trước khi có ý định mang thai thì nên có kế hoạch tiêm ngừa vắc xin đầy đủ trước khi mang thai. Trong trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng, bà bầu có thể bổ sung các mũi tiêm vắc xin trong thai kỳ dưới sự tư vấn của các bác sĩ./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...