6 2 banner2 1

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2024: Sức khỏe của tôi, quyền của tôi

Thứ tư - 10/04/2024 03:07
Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp...
ngày sức khởe thế giới
Các y bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang

"Sức khỏe của tôi, quyền của tôi"
Ngày nay, quyền về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, xung đột chiến tranh, ô nhiễm không khí và nguồn nước,… Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021, có ít nhất 4,5 tỷ người (hơn một nửa dân số thế giới) không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu.
Chủ đề của Ngày sức khỏe thế giới năm 2024 "Sức khỏe của tôi, quyền của tôi" (My health, my right) được chọn nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của mọi người được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin có chất lượng, được sử dụng nguồn nước an toàn, không khí sạch, được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt và đặc biệt là không bị phân biệt đối xử.
Theo thống kê, hiện nay có ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp, trong đó có Việt Nam. Điều 38 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng".
Lịch sử và tầm quan trọng của Ngày Sức khỏe Thế giới
Ngày 7/4 hàng năm được chọn là Ngày Sức khỏe Thế giới bắt đầu vào năm 1950. Mỗi năm có một chủ đề khác nhau, nhằm thúc đẩy các mối quan tâm về sức khỏe toàn cầu; tạo động lực cho các dự án y tế ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; tập trung sự chú ý đến những rủi ro sức khỏe mới nổi; thúc đẩy sửa đổi luật pháp và thu thập nguồn lực cho các vấn đề y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, Ngày Sức khỏe Thế giới đóng vai trò như một lời nhắc nhở về mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe với các khía cạnh khác của sự tiến bộ của con người như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và công tác giáo dục. Công tác phòng chống bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, nâng cao sức khỏe tâm thần và hạnh phúc là một vài mục tiêu quan trọng liên quan đến sức khỏe mà Ngày Sức khỏe Thế giới đã giúp thúc đẩy trong suốt những năm qua.
Bên cạnh những mối quan tâm khác liên quan đến sức khỏe, Ngày Sức khỏe Thế giới 2024 còn là một diễn đàn để các bên thảo luận về những vấn đề sau:
- Tiếp cận chăm sóc sức khỏe: Giảm khoảng cách trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe và tăng cường bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC).
- Bệnh truyền nhiễm: Có giải pháp ứng phó với các đại dịch như COVID-19 cũng như bảo vệ, điều trị và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, bao gồm HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét.
- Sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Tăng cường sức khỏe bà mẹ và trẻ em bằng các chương trình được thiết kế nhằm giảm tỷ lệ tử vong, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tiền sản và trẻ sơ sinh, đồng thời đảm bảo bao phủ tiêm chủng.
- Nhận thức về sức khỏe tâm thần: Thúc đẩy tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, giảm bớt sự kỳ thị liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần và nâng cao kiến thức về những vấn đề này.
- Các bệnh không lây nhiễm: Ứng dụng công nghệ để tăng phòng ngừa, phát hiện sớm để giảm gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm (NCD), như tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh về đường hô hấp.
- Công bằng trong chăm sóc sức khỏe: Thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với điều trị y tế theo địa lý, giới tính, dân tộc và giai cấp.
- Sức khỏe môi trường: Nêu bật các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, tăng cường các hoạt động thân thiện với môi trường và giảm thiểu rủi ro cho môi trường sống.
Quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
Theo WHO, quyền con người về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe về thể chất và tinh thần được quy định trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm các quyền tự do và quyền lợi. Các quyền tự do bao gồm quyền kiểm soát sức khỏe và cơ thể của một người và không bị can thiệp. Các quyền lợi bao gồm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Cách tiếp cận bảo vệ, chăm sóc sức khỏe dựa trên quyền con người thúc đẩy các quốc gia phải đảm bảo luật pháp, các chính sách và chương trình y tế công cộng phù hợp như:
- Chăm sóc sức khỏe chất lượng cao: Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ đó mà cần phải hiệu quả, an toàn, giá cả hợp lý và phù hợp với văn hóa.
- Bao phủ y tế toàn dân: Đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết mà không phải lo lắng về việc chi phí.
- Trao quyền cho cá nhân: Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận kiến thức đầy đủ và giáo dục cho từng cá nhân để họ có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe và hạnh phúc của mình.
- Tạo ra hệ thống Y tế bình đẳng: Thúc đẩy việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra sự bất bình đẳng về sức khỏe.
Cùng với việc đảm bảo tuân thủ các Công ước quốc tế về quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thể chế, chính sách, coi trọng sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội; đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.
                                                                                  Châu Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây