Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Cần yêu thương, thấu hiểu trẻ tự kỷ và hỗ trợ tâm lý đối với cha mẹ trẻ tự kỷ

Thứ ba - 02/04/2024 22:36
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ, từ năm 2008, Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn ngày 2 tháng 4 hàng năm là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ.
Cụm từ Rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt: tự kỷ) không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Đây là một rối loạn xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của não bộ, biểu hiện bằng sự suy giảm rõ rệt khả năng tương tác – giao tiếp xã hội và các hành vi, sở thích, mối quan tâm thu hẹp kéo dài suốt cuộc đời, gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội và độc lập của trẻ khi trưởng thành.
 
Tự kỷ 1

          Theo dữ liệu mới nhất từ tổ chức y tế thế giới WHO, cứ khoảng 100 trẻ thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, người ta nhận thấy tỷ lệ trẻ có biểu hiện tự kỷ đến khám tại các cơ sở y tế nhi khoa và chuyên khoa tâm thần tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây.
Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm ngay từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ như:
          + Trẻ ít hoặc hầu như không có các biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt và cử chỉ;
          + Trẻ ít hoặc hầu như không có giao tiếp mắt với người khác, không đáp ứng khi được gọi tên;
          + Trẻ không có hoặc có rất ít ngôn ngữ diễn đạt, hoặc ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ cùng trang lứa;
          + Trẻ mất khả năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội nào đã có trước đó;
          + Trẻ có các hành vi, sở thích, thói quen mang tính chất rập khuôn, lặp đi lặp lại (đi nhón chân, đi xoay tròn, xếp các đồ vật thành hàng dài hoặc chồng cao, thích các đồ vật quay tròn …);
Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp làm tăng khả năng cải thiện triệu chứng và giảm khả năng xuất hiện các bất thường không đáng có (rối loạn hành vi, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ …) trong những năm tiếp theo của cuộc đời.
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ, từ năm 2008, Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn ngày 2 tháng 4 hàng năm là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ. Đây là thời gian diễn ra nhiều chương trình khác nhau, từ các hoạt động chuyên môn giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về tự kỷ, đến các chương trình văn hóa xã hội cho phép người tự kỷ được bộc lộ thế mạnh bản thân.
 
Tự kỷ 2
Trẻ tự kỷ cần sự chung tay yêu thương của cả cộng đồng

Một số biện pháp hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ của trẻ tự kỷ:
Giải thích rõ về chẩn đoán: Sau quá trình khám, cán bộ y tế không chỉ đưa ra kết luận một cách đơn giản là trẻ có mắc rối loạn phổ tự kỷ hay không, mà nên giải thích rõ về chẩn đoán dựa trên đặc điểm quan sát được ở trẻ. Các bằng chứng về các triệu chứng cốt lõi của tự kỷ cần được đưa ra thảo luận với cha mẹ, nhằm đảo bảo cha mẹ có thể quan sát được, hiểu và theo dõi được các triệu chứng này.
Cán bộ y tế cũng cần giải thích cho cha mẹ hiểu về tầm quan trọng của theo dõi và khám định kỳ. Các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy việc theo dõi sát sẽ đưa ra những chiến lược can thiệp phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt với những trẻ có rối loạn hành vi cần phải sử dụng thuốc hướng thần, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc hoặc ngừng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Kiên nhẫn lắng nghe: Với những phụ huynh nhạy cảm, lo lắng, đặt ra rất nhiều câu hỏi, cán bộ y tế cần kiên nhẫn lắng nghe và đưa ra những câu trả lời có trọng tâm, phù hợp với khả năng nhận thức của cha mẹ.
Tiên lượng của trẻ trong tương lai là điều cha mẹ rất quan tâm, cán bộ y tế cần giải thích cụ thể với từng trường hợp, tránh thái độ tiêu cực quá mức khiến cha mẹ cảm thấy bi quan, nhưng đồng thời không che giấu những khó khăn thực sự khiến cha mẹ chủ quan.
Trong tất cả các trường hợp, cán bộ y tế cần nhấn mạnh tới điểm mạnh của trẻ, vì đây là điểm sáng đem lại cho cha mẹ hy vọng và động lực trong quá trình can thiệp sau này. Ví dụ như: Trẻ có khả năng bắt chước hoạt động, trẻ có biểu cảm với người thân, trẻ tuổi còn nhỏ…
Khi nói chuyện với cha mẹ, luôn sử dụng từ ngữ có tính chất tích cực. Khuyến khích cha mẹ phản hồi lại thông tin của cán bộ y tế.
Khuyến khích tự chăm sóc bản thân: Cha mẹ cần dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, làm những điều mình yêu thích, xây dựng các mối quan hệ yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc của gia đình.
Những hoạt động dạy bảo trẻ tự kỷ sẽ diễn ra trong một thời gian dài và sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Vì vậy, cha mẹ cần được hỗ trợ để có thể chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng về cả tinh thần, sức khỏe, kinh tế để đồng hành với trẻ.
Giải thích về can thiệp sớm: Cần giải thích với cha mẹ về tầm quan trọng của “can thiệp sớm” – can thiệp ngay khi phát hiện những khó khăn của trẻ chứ không đợi chẩn đoán chắc chắn trẻ có tự kỷ hay không. Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Việc này thường được thực hiện trước khi trẻ 5 tuổi, và tốt nhất là trước 3 tuổi (thời gian vàng). Vì vậy, sau khi trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần được giải thích về quy trình can thiệp và hướng dẫn các biện pháp can thiệp sớm phù hợp.
Khuyến khích sự chủ động: Cha mẹ cần được khuyến khích chủ động trong việc sắp xếp thời gian, bố trí môi trường, lựa chọn giải pháp can thiệp cho trẻ. Cha mẹ cần được hướng dẫn để tìm hiểu thật kĩ các biện pháp can thiệp, nhận thức rõ những khó khăn của trẻ, điểm mạnh điểm yếu, sở thích và nhu cầu của trẻ để từ đó đưa ra sự lựa chọn.
Khuyến khích sự chia sẻ và tham gia các hoạt động có tính cộng đồng: Cha mẹ được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ dành cho gia đình trẻ tự kỷ. Tại đây những người có cùng hoàn cảnh sẽ cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ vậy, cha mẹ có thể tham gia những hoạt động cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tự kỷ, đưa ra tiếng nói và những mong đợi của trẻ tự kỷ, thúc đẩy sự phát triển của các chính sách xã hội phù hợp, giúp mang lại sự hòa nhập tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Cha mẹ luôn cần được khuyến khích xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn giúp trẻ tham gia được những hoạt động xã hội phù hợp tại cộng đồng, xã hội.
Hy vọng rằng sự kiên trì của gia đình, sự đồng hành của cán bộ y tế là các bác sĩ, nhà tâm lý, giáo viên, điều dưỡng, đặc biệt sự bao dung và hỗ trợ của cộng đồng sẽ là chìa khóa để trẻ tự kỷ có tương lai tốt đẹp hơn.
                                                                                          Phước An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây