6 2 banner2 1

Làm gì với những bệnh ngoài da thường gặp vào mùa nắng nóng?

Thứ tư - 12/07/2023 23:34
Vào mùa hè thời tiết nắng nóng nên số lượng bệnh nhân mắc bệnh về da như: rôm sảy, ghẻ ngứa, viêm da cơ địa, viêm nang lông... luôn cao hơn mức bình thường. Mẩn ngứa khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát cơn mẩn ngứa, tránh bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời giảm nguy cơ tổn thương da.
Rôm sảy
Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp nhất ở trẻ em trong những ngày hè. Thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là những trẻ có nhiều mồ hôi do tuyến mồ hôi bị bít kín, không thoát ra ngoài được.
Biểu hiện của rôm sảy là trên da nổi nhiều đốm đỏ li ti gây ngứa mạnh ở các vùng ra nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ... Nếu chỉ bị nhẹ thì đến khi thời tiết mát mẻ thì các nốt rôm sảy sẽ tự lặn, không gây tác hại gì. Tuy nhiên nếu rôm sảy mọc nhiều sẽ làm cho trẻ luôn bứt rứt, ngứa ngáy, rất khó chịu, không ăn, không ngủ được. Nếu không vệ sinh da sạch sẽ, trẻ gãi nhiều có thể gây bội nhiễm lỗ chân lông hay viêm da tại vết gãi, xước, có thể phát triển thành mụn mủ.
Biện pháp phòng trị rôm sảy tốt nhất là chú ý tạo môi trường thoáng mát cho trẻ, nơi ở sạch sẽ, thoáng khí, mặc quần áo mỏng, rộng làm bằng vải cotton, thường xuyên thay quần áo; tắm rửa cho trẻ sạch sẽ ít nhất mỗi ngày một lần. Khi trẻ có mồ hôi, cần dùng khăn bông mềm sạch lau khô ngay. Không để trẻ ra nắng lâu. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng và uống nước đầy đủ.
viêm da
                                                                              Trẻ bị rôm sảy
Ghẻ ngứa
Ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng (con ghẻ) Sarcoptes Scabiei homonis gây ra. Bệnh hay gặp vào mùa hè, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém và rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ, nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm...
Khi bị ghẻ, người bệnh có các triệu chứng: ngứa nhiều về đêm, ngứa tăng khi trời nóng, ra mồ hôi nhiều. Mụn nước ở vị trí đặc hiệu, kẽ ngón tay, lằn chỉ cổ tay, nếp gấp bàn tay, vùng thắt lưng, cạp quần, bẹn đùi, sinh dục, nách. Ở trẻ nhỏ, ghẻ có thể bị toàn thân. Lâu ngày bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm khuẩn như viêm da mủ, viêm nang lông, chốc nhọt.
Khi có biểu hiện bị bệnh ghẻ, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân: tắm rửa hằng ngày, thay quần áo và luộc kỹ bằng nước sôi.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh da mãn tính hay tái phát. Bệnh gặp nhiều ở đối tượng trẻ nhỏ và người lớn. Dấu hiệu của viêm da cơ địa được chia theo các mức độ: cấp, bán cấp và mãn tính.
- Ở mức độ cấp trên da có nhiều mụn nước tập trung thành đám trên nền da đỏ, phù nề thậm chí có thể tiết dịch, chảy dịch nhiều.
- Ở mức độ bán cấp, da viêm phù nề, ít chảy dịch hơn so với mức độ cấp và da hơi ẩm ướt.
- Ở mức độ mãn tính sẽ xuất hiện tình trạng da dày, khô nứt nẻ.
Tùy vào từng đối tượng, viêm da cơ địa sẽ có vị trí điển hình khác nhau. Với em bé, viêm da cơ địa có tổn thương chàm rát đỏ ở má hay còn gọi là chàm sữa. Ở các trẻ lớn, sẽ có những tổn thương ở vùng nếp gấp, khuỷu tay, khuỷu chân. Có tổn thương rát đỏ và ngứa, chà sát nhiều. Đối với người lớn có thể gặp tình trạng viêm da mãn tính, da dày, da tổn thương ở các nếp gấp. Da có thể khô, rát đỏ, ngứa nhiều. Khi bệnh nhân ngứa và gãi nhiều sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý làm tổn thương phát triển hơn. Thậm chí có những bệnh nhân nhiễm trùng nặng.
 Người mắc viêm da cơ địa cần lưu ý, trong mùa hè nắng nóng việc sử dụng điều hòa dễ khiến da bị khô và tổn thương nặng lên. Vì vậy người bệnh cần lưu ý đến độ ẩm khi dùng điều hòa. Bên cạnh đó, việc sử dụng dưỡng ẩm là một trong những yếu tố quan trọng. Nếu sử dụng dưỡng ẩm tốt sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa và giảm bệnh nhiều.
Bệnh nhân cũng cần lưu ý chế độ ăn uống cần đủ dinh dưỡng, vitamin, omega3. Bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên sử dụng quần áo chất cotton thấm hút mồ hôi.
Viêm nang lông
Bình thường trên da của chúng ta có nhiều lông, mọc lên từ các nang lông nằm sâu dưới da, các nang lông có nhiệm vụ sinh ra lông, tuyến mồ hôi trong nang lông tiết mồ hôi và chất bã giúp bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Khi nắng nóng, chất bã được bài tiết quá nhiều kết hợp với nhiễm khuẩn sẽ gây viêm nang lông.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Các yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm nang lông thường là: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn, cạo râu, nhổ lông, tẩy lông không đúng cách,… Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông và có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, gây biến chứng thành nhọt, cụm nhọt hoặc viêm mô dưới da. Người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị đúng.
Cách phòng tránh viêm nang lông là cần vệ sinh da hàng ngày. Nên sử dụng các loại xà bông phù hợp giúp giảm chất nhờn, giúp các lỗ chân lông luôn thông thoáng; mặc quần áo thoải mái, rộng rãi bằng chất vải mềm, hút ẩm và thoáng khí…

                                                                                                                                          Châu Anh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây