Thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, vi rút gây bệnh đường ruột phát triển. Thêm vào đó, nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng… điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
* Triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm
Đa số bệnh nhân bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm đều có một trong những triệu chứng sau:
- Người bệnh đột nhiên buồn nôn, khó chịu.
- Người bệnh đi ngoài phân lỏng và đau bụng.
Tuy nhiên nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ nên biểu hiện tiêu chảy cấp cũng không rõ rệt.
- Đặc điểm nổi bật cần lưu ý nếu bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, khoảng trên 4 lần/ ngày. Tuy nhiên đi ngoài không xối xả như những người mắc tả. Người bị tiêu chảy do ngộ độc sẽ đau quặn bụng từng cơn. Ở một số trường hợp có thể có sốt nhẹ. Cơ thể mệt mỏi vì mất nước.
Các triệu chứng rầm rộ trên có thể bắt đầu trong vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm.
- Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng sẽ bị mất nước và rối loạn điện giải như: Bệnh nhân khát nước, cảm giác miệng khô, bệnh nhân tiểu ít hoặc không có và kèm theo triệu chứng đau dầu, chóng mặt và mệt mỏi rũ rượi.
Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài, có thể dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để nôn ra thức ăn. Sau đó cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám. Việc thăm khám để xác định nguyên nhân gây ngộ độc rất quan trọng để kịp thời được cấp cứu, khẩn trương điều trị để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
* Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nóng
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Khi lựa chọn mua thực phẩm:
+ Nên lựa mua thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không nên mua các loại thịt chưa qua kiểm dịch.
+ Tránh chọn rau củ dập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ.
+ Không mua thực phẩm đóng hộp không có nhãn hiệu hàng hóa, có nhãn nhưng không ghi hạn dùng hoặc đã quá hạn dùng, không ghi rõ nơi sản xuất. Rửa tay và vệ sinh các bề mặt thường xuyên:
+ Mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm có thể tồn tại nhiều nơi và lây lan xung quanh khu vực chế biến thực phẩm. Vì vậy hãy chú ý vệ sinh các dụng cụ nhà bếp và không gian bếp thường xuyên. Không để nước, rác bẩn ứ đọng xung quanh khu vực bếp.
+ Bàn tay là một yếu tố trung gian chuyền mầm bệnh, vì thế nên thường xuyên rửa tay và giữ bàn tay sạch trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn.
Không để lẫn thực phẩm sống và chín:
+ Thức ăn đã nấu chín không còn mầm bệnh vì đã bị diệt bởi nhiệt độ trong quá trình nấu nướng ,trong khi thức ăn sống thường dính nhiều vi khuẩn kể cả vi khuẩn gây bệnh. Khi vô tình để lẫn thức ăn sống và chín sẽ có sự nhiễm chéo của mầm bệnh từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch rau quả tươi:
+ Nấu chín kỹ thức ăn là cách tiêu diệt các mầm bệnh bằng nhiệt độ. Nhiệt độ sôi có thể tiêu diệt hầu hết cácloại vi khuẩn gây bệnh nhất là các mầm bệnh do ký sinh trùng.
+ Không nên ăn những thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, tiết canh.
+ Ngâm rửa rau quả là làm cho các chất độc nếu có bị hòa tan và loại bỏ. Rửa sạch rau quả tươi nhiều lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy nếu có thể, nhất là với các loại rau quả dùng ăn sống.
+ Nên dùng nguồn nước sạch để chế biến thược phẩm.
Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín:
+ Thực phẩm sau khi nấu chín nên ăn ngay. Nếu chưa ăn, thức ăn cần được che đậy bằng lồng bàn hay đựng vào tủ thức ăn để tránh nhiễm bẩn từ môi truờng do bụi, đất, hóa chất, ruồi, gián, chuột...
+ Trong trường hợp chưa ăn sau 2 giờ chế biến ,thức ăn nấu chín nên để vào trong tủ lạnh (5oC) hoặc hâm giữ trên nhiệt độ 60oC.Nhiệt độ từ 5oC đến 60oC là nhiệt độ vi khuẩn có thể tăng sinh trong thực phẩm thậm chí đến mức gây ngộ độc. Đun kỹ lại thức ăn thừa của bữa trước khi dùng lại:
+ Khi dùng lại thức ăn của bữa trước nên đun lại và đun kỹ thức ăn cũ trước khi ăn ,để tiêu diệt vi khuẩn đã thâm nhập và đang tồn tại trong thức ăn,phòng ngừa ngộ độc.
+ Tuy nhiên chỉ nên dùng thức ăn bữa trước thêm một lần.
Không ăn, sử dụng các thức ăn nghi ôi thiu, mốc, hỏng:
+ Nắng nóng nên thức ăn rất dễ ôi thiu. Nên loại bỏ ngay nếu thấy các thức ăn khi có dấu hiệu ôi thiu như bốc mùi, nổi nấm mốc,…vì bên trong sẽ ẩn chứa rất nhiều chất độc do bản thân thức ăn nó bị phân huỷ, bị lên men hoặc bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người cần tập luyện thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Với vai trò người nội trơ, hãy là người nội trợ thông thái trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.