Glôcôm: Kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng

Thứ sáu - 17/03/2023 05:32
Khi nhắc đến bệnh Glôcôm hầu hết mọi người đều thấy lạ lẫm với thuật ngữ này. Và đại đa số bệnh nhân đến khám bệnh tại khoa Glôcôm bệnh viện Mắt Đà Nẵng cũng chưa hiểu rõ hoàn toàn về tình trạng bệnh của bản thân và vô cùng chủ quan trong việc điều trị dẫn đến tình trạng mắt dần tệ hơn. Chính vì thế, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về căn bệnh Glôcôm – Kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng.
Bệnh Glôcôm là bệnh gì ?
Đối với thế giới, Glôcôm là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa sau đục thể thủy tinh. Đây là một bệnh lý thường gặp ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Bệnh Glôcôm được dân gian biết đến với một cái tên khác là “Thiên đầu thống”, “cườm nước” với biểu hiện đặc trưng là đau nửa đầu, buồn nôn. Tuy nhiên với những biểu hiện rầm rộ như vậy thì tại sao mọi người lại nhắc đến Glôcôm như một kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng?
Nhờ sự phát triển của y học, người ta biết được cơ chế gây bệnh Glôcôm đồng thời đưa ra một định nghĩa khác về căn bệnh này. Glôcôm được xem là các bệnh lý gây tổn thương sợi thần kinh thị giác không hồi phục, tiến triển mạn tính, gây mất thị lực và dẫn đến mù. Sự tiến triển của bệnh ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng nhãn áp vẫn là một yếu tố quan trọng và có thể kiểm soát nhằm duy trì thị lực còn lại.
Điều đáng chú ý ở đây là hiện nay vẫn chưa có thuốc hay phương pháp phẫu thuật nào điều trị dứt điểm căn nguyên của bệnh. Chính vì thế việc điều trị duy trì nhãn áp được coi như điều trị tiên quyết ở bệnh nhân Glôcôm.
glocom
           Hình ảnh về cơ chế bệnh sinh bệnh Glôcôm

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm
  • Người trên 40 tuổi
  • Người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp
  • Gia đình có thế hệ F1 mắc bệnh Glôcôm
  • Viễn thị
  • Cận thị nặng
  • Dùng thuốc corticoid lâu dài
  • Tiền sử chấn thương mắt.
Các biểu hiện của bệnh Glôcôm
Tùy theo vào hình thái của góc tiền phòng mà phân thành 2 loại chủ yếu là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Tùy vào thể bệnh Glôcôm mà có các biểu hiệu khác nhau.
Đối với Glôcôm góc đóng: biểu hiện hầu như là cấp tính như đau nhức mắt, đau nửa đầu, nhìn mờ, đồng tử giãn, buồn nôn, nôn mửa. Với các triệu chứng cấp tính trên việc phát hiện bệnh Glôcôm không khó, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác bệnh Glôcôm thì cần phải y bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu khác có triệu chứng đau đầu như tăng áp lực nội sọ, đau đầu Migrain, … Chính vì thế khi có những biểu hiện trên, người nhà cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt  để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

 
glocom
 Hình ảnh Glôcôm góc đóng cấp tính

Glôcôm góc mở tiến triển một cách âm thầm và mạn tính, hầu như không có biểu hiện rầm rộ nào, các triệu chứng như nhìn mờ vào chiều tối, nhìn thấy quầng xanh đỏ, thỉnh thoảng đau nhức mắt không đặc trưng.
Vì thế Glôcôm góc mở được xem là kẻ đánh cắp thị lực một cách thầm lặng và chỉ được chẩn đoán chính xác nhờ vào việc khám chi tiết : soi đáy mắt đánh giá gai thị, soi góc tiền phòng, làm các xét nghiệm đánh giá như: chụp OCT bán phần sau, làm thị trường, tái khám định kỳ.
glocom3

Điều trị bệnh Glôcôm
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh Glôcôm, tuy nhiên nhãn áp là tác nhân duy nhất có thể can thiệp và điều chỉnh để làm chậm quá trình tiến triển của Glôcôm. Vì thế mọi phương pháp điều trị đều nhằm vào việc duy trì nhãn áp ổn định.
Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng bệnh nhân, từng giai đoạn khác nhau sẽ có hướng điều trị khác nhau (nội khoa, laser, phẫu thuật, ….) vì thế bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được hướng dẫn và điều trị hiệu quả.
Khi đối mặt với chẩn đoán xác định là Glôcôm, nhiều bệnh nhân nghĩ bệnh Glôcôm là bệnh không điều trị dứt điểm được và đích đến cuối cùng là mù khiến bệnh nhân lâm vào khủng hoảng về tinh thần trầm trọng. Giống như các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp,… thì đối với bệnh nhân Glôcôm việc sống chung với bệnh là một điều hiển nhiên.
Vì vậy, người bệnh Glôcôm cần phải được chăm sóc và  theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Phòng bệnh glôcôm
Đối với những người có nguy cơ cao, việc khám mắt hàng năm là cần thiết để phát hiện sớm bệnh nhân Glôcôm. Có thể phòng tránh được mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên.
Bệnh lý Glôcôm là bệnh lý tổn thương thần kinh thị giác tiến triển thầm lặng, ít biểu hiện, làm mất thị trường dần dần. Chính vì thế, việc hiểu rõ về bệnh Glôcôm giúp ta hiểu rõ được tầm quan trọng của bệnh đồng thời giúp chúng ta có ý thức trong việc phát hiện sớm và tuân thủ điều trị bệnh Glôcôm. Hãy đồng hành cùng chúng tôi trong việc kiểm soát căn bệnh này và để bảo vệ nguồn sáng cho bạn.
Bs CKII Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Bs Nguyễn  Văn Nhật Thành
Bệnh viện Mắt Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây