Làm gì để phòng lây nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)?
Thứ tư - 12/04/2023 21:30
Virus RSV (hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp), có thể lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường gây ra các biểu hiện nhẹ, giống như cảm lạnh và đa số mọi người sẽ phục hồi trong một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, RSV có thể nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
Virus RSV gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Các đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do RSV?
RSV có thể gây nhiễm trùng hô hấp ở mọi lứa tuổi, hầu hết giống với cảm lạnh thông thường, tuy vậy một số đối tượng sau có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn: - Trẻ sinh non, tuổi thai dưới 37 tuần. - Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng trở xuống. Trên toàn cầu, ước tính khoảng 45% trường hợp nhập viện và tử vong tại bệnh viện vì nhiễm trùng hô hấp nặng do RSV xảy ra ở trẻ em dưới 6 tháng. - Trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh - Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch - Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ, bao gồm cả trẻ khó nuốt hoặc khó tiết dịch nhầy Ngoài ra: Người già trên 65 tuổi, người lớn bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, người lớn có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng khi nhiễm RSV
Các triệu chứng nhiễm RSV có thể giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau vài ngày. Các triệu chứng khởi đầu như: Số mũi, hắt hơi; Giảm cảm giác thèm ăn; Ho, có thể tiến triển thành khò khè; Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao nhưng cũng thể không có sốt. Khi tiến triển nặng: Trẻ thường quấy khóc nhiều, kích thích; Giảm hoạt động, ăn bú kém, thậm chí có thể có các cơn ngưng thở; Viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi là các bệnh thường gặp ở trẻ bệnh nặng do nhiễm RSV.
RSV gây bệnh hô hấp lây nhiễm ra sao?
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây lan khi: - Người bị bệnh ho hoặc hắt hơi phát tán virus ra môi trường - Trẻ bị nhiễm các giọt chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vào mắt, mũi hoặc miệng. - Trẻ chạm vào bề mặt có virus, như nắm cửa, đồ chơi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng trước khi rửa tay sạch. Virus có thể tồn tại trên các bề mặt hoặc đồ vật trong khoảng 4 đến 7 giờ. - RSV lây khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn... Làm gì để phòng lây nhiễm RSV? Các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ cần lưu ý để hạn chế lây nhiễm RSV như: - Rửa tay thường xuyên: Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh. Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác... - Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch. - Tránh tiếp xúc gần với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần, chẳng hạn như hôn, dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh. - Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo ở khuỷu khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy. - Làm sạch và khử trùng bề mặt: Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động... Khi người bị nhiễm RSV chạm vào các bề mặt và đồ vật, họ có thể để lại virus. Ngoài ra, khi họ ho hoặc hắt hơi, các giọt chứa virus có thể rơi xuống các bề mặt và đồ vật. - Khi bạn bị bệnh: Nếu có thể, hãy ở nhà không đến cơ quan, trường học và các khu vực công cộng. Tránh tiếp xúc gần không an toàn với người có nguy cơ cao, đeo khẩu trang khi cần thiết... Điều này sẽ giúp bảo vệ người khác, trong đó có trẻ em khỏi mắc bệnh của bạn. Virus RSV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cha mẹ cần có biện pháp thích hợp để phòng tránh cho trẻ. Luôn tiêm chủng các mũi vắc xin cần thiết và có chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật. Nếu nghi ngờ trẻ mắc RSV hoặc trẻ có các biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Châu Anh (Tổng hợp)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...