6 2 banner2 1

Những điều cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Thứ ba - 04/04/2023 22:52
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, xảy ra ở cả nam và nữ, chủ yếu ở những người trên 30 tuổi, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam. Suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân.
Vì sao mắc suy giãn tĩnh mạch chân?
Bình thường tĩnh mạch chi dưới có hệ thống van một chiều, đảm bảo cho dòng máu di chuyển ngược chiều từ ngoại vi về trung tâm. Do gánh nặng tuổi tác, các cấu trúc thành mạch thoái hóa hoặc ở một số đối tượng có nguy cơ cao như tư thế làm việc phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, có thai hoặc dùng thuốc tránh thai định kỳ, yếu tố gia đình… sẽ làm hệ thống van một chiều của tĩnh mạch bị hư hỏng không hồi phục. Điều này dẫn tới ứ máu ở ngoại vi chi dưới, gây nên các biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, hay suy van tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp như lối sống ít vận động, tính chất công việc phải đứng nhiều, thói quen đi giày cao gót ở phụ nữ, làm vô hiệu hóa hệ thống bơm máu dưới bàn chân, làm ứ trệ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Việc sử dụng thuốc tránh thai ở phụ nữ hay quá trình thai nghén, người béo phì, thức khuya, các stress… cũng ảnh hưởng nhất định đến căn bệnh này. Bên cạnh đó còn phải kể đến yếu tố gia đình, nếu trong gia đình có người mắc bệnh, đặc biệt nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì nguy cơ mắc bệnh ở người con lên tới 80%.
suy gian tinh mach

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân
* Ở giai đoạn đầu: Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh ít có cảm giác nhận thấy như: đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu, ngồi nhiều; chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm; xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
* Ở giai đoạn tiến triển: Người bệnh thấy tình trạng càng rõ hơn, cụ thể hơn như: Bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da...
* Ở giai đoạn biến chứng: Ở giai đoạn này bệnh gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân

- Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
- Khi nghỉ ngơi, nên kê chân cao
- Ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày
- Có thể xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.
- Hạn chế đi giày cao gót.
- Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai.
Tóm lại: Bệnh suy tĩnh mạch chân tiến triển chậm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng. Vì vậy, những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm nhằm tránh những biến chứng của bệnh có thể xảy ra.
                                                                                                                                              Châu Anh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây