Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả

Thứ tư - 08/02/2023 22:49
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở nước ta.
Lợi ích của tiêm chủng
Theo các chuyên gia, lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn, vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Chương trình TCMR được triển khai tại Việt Nam thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính nhờ có Chương trình TCMR hàng năm đã bảo vệ được cho hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị tử vong cũng như các di chứng của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến.
Hiện nay, Chương trình TCMR tại Việt Nam đang triển khai tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ mang thai và trẻ em 10 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi - Rubella, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B.
TCMR

Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Trước khi tiêm chủng, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng và sổ y bạ của trẻ. Cần thông báo cho cán bộ y tế và tình trạng sức khỏe như: trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... Hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Trong khi tiêm chủng, cần giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau tiêm chủng về tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm và dấu hiệu bất thường khác. Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Theo dõi, phát hiện và xử trí các phản ứng sau tiêm chủng: Với các phản ứng thông thường (sốt nhẹ dưới 380C, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc), cần theo dõi tại nhà. Nếu trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của các bộ y tế. Với các phản ứng nặng sau tiêm (trẻ sốt cao hơn 390C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban...) hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày, cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Chất lượng của vắc xin trong Chương trình TCMR
Vắc xin khi đưa vào sử dụng trong dự án TCMR đã được Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm tra chất lượng và Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin được bảo quản rất chặt chẽ trong hệ thống dây chuyền lạnh từ Trung ương đến xã/phường, đảm bảo chất lượng vắc xin.
Vắc xin rất an toàn, tuy nhiên cũng như thuốc vẫn có một tỷ lệ phản ứng không mong muốn sau tiêm. Hàng năm, có hàng chục triệu mũi tiêm trong TCMR nhưng tỷ lệ phản ứng nặng chỉ là hạn hữu. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận ở Việt Nam thấp hơn so với khuyến cáo.
Phản ứng nặng sau tiêm chủng hiếm gặp và cần được xử trí kịp thời. Các bà mẹ/người chăm sóc trẻ cần chủ động, chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng. Trẻ sẽ hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Vì vậy, bạn vẫn nên cho con đi tiêm để phòng các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm dễ gặp ở trẻ em. Khi đưa con đi tiêm chủng, bạn cần phối hợp theo dõi các quy trình tiêm chủng của cán bộ y tế và các bà mẹ phải chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để con bạn được khám và xử trí kịp thời.
Các bà mẹ cần chủ động hỏi cán bộ y tế tư vấn cụ thể về theo dõi và chăm sóc con sau tiêm chủng. Vì sức khỏe của con bạn nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Các bậc phụ huynh không nên bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng của con mình.
 
tcmr

Các thông điệp về tiêm chủng
+ Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ.
+ Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì mới các tác dụng phòng bệnh lâu dài.
+ Các vắc xin rất an toàn, rất ít phản ứng phụ. Vắc xin trước khi sử dụng đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định chặt chẽ về độ an toàn và chất lượng, đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
+ Ít có chống chỉ định trong tiêm chủng; tạm hoãn tiêm vắc xin khi trẻ đang ốm, sốt hay đang bị bệnh nhiễm trùng tiến triển.
+ Cha mẹ cần chủ động thống báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, có tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm.
+ Trường hợp trẻ bỏ mũi tiêm, quên mũi tiêm hoặc chậm so với lịch tiêm chủng nên tiêm lại vào đợt tiêm gần nhất.
+ Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
+ Sau tiêm trẻ có thể có những phản ứng nhẹ như: sốt, đau, quấy khóc hoặc hơi đỏ vết tiêm, chỉ vài ngày sau các dấu hiệu này sẽ hết. Hãy hỏi cán bộ y tế để có lời khuyên đúng.
+ Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp và có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nếu sau khi tiêm chủng trẻ có các biểu hiện như quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, bỏ bú, phát ban,... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày...
+ Cha mẹ phải giữ gìn cẩn thận phiếu/sổ tiêm chủng để biết được con mình đã được tiêm chủng đầy đủ chưa và giúp cán bộ y tế theo dõi tình trạng tiêm chủng của trẻ.
                                                                                                                                                           Long Vương ( Tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây