Vai trò của canxi và cách bổ sung an toàn, hiệu quả
Thứ sáu - 24/03/2023 02:57
Ngoài công dụng đối với hệ xương, canxi còn có nhiều công dụng khác đặc biệt đối với cơ thể. Nó rất cần thiết cho hoạt động của các dây thần kinh, cơ bắp, chuyển hoá của tế bào và quá trình đông máu. Nó cũng có vai trò quan trọng trong việc giữ cho một trái tim khỏe mạnh.
Vai trò của canxi đối với cơ thể con người Trong cơ thể con người, canxi chiếm 1,5 - 2% trọng lượng cơ thể, 99% lượng canxi tồn tại trong xương, răng, móng và 1% trong máu. Canxi kết hợp với phospho là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, làm cho xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, canxi còn cần cho quá trình hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hoá của thế bào và quá trình đông máu. Đối với trẻ nhỏ, canxi sẽ giúp trẻ cao lớn, tăng cường cho khả năng miễn dịch và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Đối với người trưởng thành, canxi giúp xương chắc khỏe, giúp phòng ngừa loãng xương, giảm tình trạng đau nhức và khó khăn trong vận động, làm nhanh lành các vết nứt gãy trên xương. Canxi còn cần thiết cho hoạt động của tim và sức khỏe thần kinh, tinh thần và trí nhớ ổn định. Thiếu canxi có thể gây bệnh gì? Thiếu canxi trong khẩu phần, hấp thu canxi kém và/hoặc mất quá nhiều canxi dẫn đến tình trạng rối loạn khoáng hoá tại xương. Thiếu canxi mạn tính (do hấp thu canxi kém ở ruột non, do khẩu phần ăn không đủ canxi…) là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm mật độ xương, gây bệnh loãng xương ở người lớn và còi xương ở trẻ em. Ảnh hưởng của thiếu canxi sẽ dẫn đến những nguy cơ: thiếu xương (mật độ khoáng của xương thấp hơn bình thường); loãng xương (mật độ xương rất thấp); tăng nguy cơ gãy xương. Canxi tham gia trực tiếp cấu thành hệ xương và răng ở trẻ. Vì vậy, nếu không được cung cấp đầy đủ canxi, trẻ sẽ bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, xương nhỏ và yếu dễ dẫn đến bệnh còi xương, chất lượng răng kém, dễ sâu răng và răng mọc không đều. Canxi cũng rất quan trọng với hệ thần kinh của trẻ em. Ở những trẻ bị thiếu canxi thường có biểu hiện khóc đêm, hay giật mình và dễ nổi cáu. Ở người lớn, ngoài nguy cơ loãng xương, thiếu canxi kéo dài cơ tim sẽ co bóp yếu, khi làm việc dễ mệt và hay vã mồ hôi. Ở người già, thiếu canxi dễ bị suy nhược thần kinh, tinh thần không ổn định, đau đầu, suy giảm trí nhớ… Biểu hiện của thiếu canxi Khi bị thiếu canxi sẽ có những biểu hiện như: thường xuyên bị chuột rút; răng vàng hơn; hay bị chóng mặt, tê nhức hoặc đau xương; gặp các vấn đề về đại tràng; móng tay yếu và dễ gãy, mất xương, loãng xương; có nguy cơ bị co giật hoặc co thắt cơ, mất ngủ… Thiếu canxi gây loãng xương.
Cách bổ sung canxi an toàn và hiệu quả Cách bổ sung canxi là thông qua thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày hoặc dùng thuốc bổ sung canxi. Tuy nhiên, cách an toàn và hiệu quả nhất là bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống, không nên tùy tiện uống thuốc bổ sung canxi. Chỉ uống thuốc bổ sung canxi trong trường hợp thiếu canxi cao. Những trường hợp dưới đây thường ăn thiếu những chất giàu canxi, có thể phải bổ sung canxi bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: - Người ăn chay, đặc biệt là ăn chay trường. - Người có biểu hiện không dung nạp lactose và ít uống sữa. - Người có chế độ ăn nhiều thịt hay muối, khiến cơ thể thải ra nhiều canxi bị loãng xương. - Người mắc bệnh phải dùng corticosteroid kéo dài. - Người mắc bệnh đường tiêu hóa không hấp thu canxi như viêm ruột hay bệnh Celiac. Cách bổ sung canxi an toàn nhất là sử dụng thực phẩm giàu canxi qua ăn uống.
Các biện pháp phòng chống thiếu canxi Để cung cấp đủ canxi cho cơ thể, ngay từ lúc mới sinh, trẻ cần được bú mẹ đầy đủ. Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm (từ 5 - 6 tháng), bên cạnh việc cho trẻ bú sữa mẹ, cần lưu ý chế biến những thực phẩm giàu canxi trong thực đơn của trẻ. Khi đến tuổi dậy thì và trưởng thành, các thực phẩm giàu canxi vẫn cần được ưu tiên trong chế độ ăn hàng ngày. Thực hiện chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, cá, cá ăn cả xương, ốc, vừng, đậu nành, mộc nhĩ, rau ngót, trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng, các loại sữa và chế phẩm từ sữa… Chế độ ăn cần cung cấp đủ protein. Nếu chế độ ăn có quá nhiều protein so với nhu cầu khuyến nghị sẽ làm cho cơ thể tăng nguy cơ thiếu canxi. Khẩu phần ăn có quá nhiều protein sẽ tăng đào thải canxi qua đường tiết niệu và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Hạn chế uống cà phê, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi. Sử dụng các thực phẩm có bổ sung canxi trong trường hợp bị thiếu canxi cao theo chỉ định của bác sĩ. Vitamin D giúp điều hòa hàm lượng canxi trong máu và xương, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung thực phẩm giàu canxi, chúng ta cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin D như: hải sản, trứng, sữa... trong bữa ăn để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Bên cạnh đó, hằng ngày nên dành ít nhất 10 - 20 phút để tắm nắng vào buổi sáng (vào 9h - 9h30 sáng mỗi ngày) để giúp cơ thể hấp thụ được nhiều Vitamin D qua da. Trong khẩu phần ăn cần lưu ý có đủ dầu mỡ để vitamin D được hấp thu qua đường tiêu hóa tốt hơn. Châu Anh
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...