Các yếu tố nguy cơ và biện pháp kiểm soát tăng huyết áp
Thứ tư - 17/05/2023 00:22
Bệnh tăng huyết áp (THA) là bệnh lý có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng. THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế, hoặc mất sức lao động mỗi năm. Hầu hết người bị THA không có biểu hiện triệu chứng gì và thậm chí không biết mình bị bệnh.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp Chỉ số huyết áp được xác định là bình thường khi huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg. Nếu vượt quá ngưỡng này thì được xem là cao huyết áp. Tăng huyết áp được phân làm 2 loại như sau: - Tăng huyết áp nguyên phát: Đây là bệnh lý tăng huyết áp không tìm ra nguyên nhân, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn, chiếm đa số trong những bệnh lý tăng huyết áp. Một số yếu tố nguy cơ của loại bệnh cao huyết áp này là người lớn tuổi khiến cho thành mạch xơ hóa và không còn đàn hồi dễ dẫn đến tăng áp lực máu thành mạch, gia đình có người mắc bệnh cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến, một số bệnh lý tác động như tiểu đường, béo phì… - Tăng huyết áp thứ phát: Đây là loại cao huyết áp ít gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 5%- 10% trong những trường hợp bị cao huyết áp. Đây là bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân nhất định và thường do những bệnh lý khác trong cơ thể gây nên. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp - Tuổi: nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên. - Thừa cân béo phì - Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp. - Ăn nhiều muối, ít rau quả. - Ít hoạt động thể lực. - Căng thẳng tâm lý. - Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, … - Tiền sử bệnh trong gia đình: nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp. Triệu chứng của Tăng huyết áp Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì, hoặc các biểu hiện rất mơ hồ như: nhức đầu, dễ mệt, đau ngực, hồi hộp, khó thở… Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, vì không có biểu hiện nào khác thường cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do THA gây ra rồi mới biết mình bị THA. Tuy bệnh tăng huyết áp diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề. Biến chứng thường thấy của tăng huyết áp là cơn đau thắt ngực, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, rối loạn tiền đình, tăng áp động mạch võng mạc, mù lòa… Vì vậy, việc điều trị và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng.
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp - Giảm thừa cân: Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên. Giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. - Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mmHg. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Mục tiêu chung là dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.
(Hình minh họa)
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao. - Giảm muối trong chế độ ăn uống: Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày, chất béo bão hòa hoặc mỡ động vật, phủ tạng động vật, thực phẩm ăn sẵn chiên rán...) - Hạn chế rượu bia: Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. - Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng huyết áp, ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ. - Ngủ ngon: Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm trong vài tuần, có thể góp phần làm tăng huyết áp. Một số vấn đề có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, chứng khó ngủ nói chung (mất ngủ). - Giảm căng thẳng: Căng thẳng cảm xúc lâu dài (mãn tính) có thể góp phần làm tăng huyết áp. Châu Anh (Tổng hợp)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...