Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Trong 2 năm đại dịch COVID-19, cũng như các nước trên thế giới, công tác phòng chống lao tại nước ta chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19. Toàn bộ những thành quả phòng chống lao đã đạt được cho đến năm 2019 đã bị đình trệ, thậm chí đảo ngược. Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn quốc. Cụ thể trong năm 2020 số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trên toàn quốc giảm 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên đến năm 2021 với dịch COVID-19 diễn biến nặng nề, đặc biệt với các quy định giãn cách xã hội, số bệnh nhân lao phát hiện giảm đến 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019.
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại buổi tổng kết
Hiện nay sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang phải đối mặt với số lượng bệnh nhân lao phát hiện mới và cần điều trị hàng năm cao hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch. Theo báo cáo của Chương trình chống lao Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, nước ta phát hiện 76.000 ca tương đương số lượng phát hiện của cả năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2019- thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo ước tính của WHO, tại Việt Nam năm 2022 có khoảng 172.000 người mắc lao và số ca tử vong lên tới 10.400 người. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là số bệnh nhân lao ở thể nặng tăng lên rất nhiều và số bệnh nhân tử vong gia tăng.
Hiện nay, tình trạng mắc lao đang dần trẻ hóa, số lượng thanh niên từ 10-24 tuổi mắc bệnh lao ngày càng tăng và chiếm 17% tổng số ca mắc lao trên toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình chống lao năm 2022, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, kiêm Phó trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam - nhấn mạnh cần chú trọng đến nhóm đối tượng này để nhanh chóng đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Trên thực tế, những người trẻ tuổi ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe do thiếu nhận thức về các triệu chứng bệnh lao, sợ bị kỳ thị, khó tiếp cận các dịch vụ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiếu sự hỗ trợ của gia đình và xã hội.
Năm 2022, tại thành phố Đà Nẵng, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, không còn giãn cách xã hội, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, nhất là được khám phát hiện và điều trị lao phổi kịp thời nên số lượng bệnh nhân thu nhận điều trị tăng đột biến so với các năm trước. Số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới phát hiện trong năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2021, với 1.053 ca bệnh lao được phát hiện, tăng 54,4% so với năm 2021 (tăng 371 ca bệnh). Tổng số bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn năm 2022 là 1.177 bệnh nhân, tăng 52,8% so với năm 2021 (tăng 407 ca bệnh). Số bệnh nhân lao mọi thể trong năm 2022 là 1.761 bệnh nhân, tăng 42,6% so với năm 2021 (tăng 526 ca bệnh) cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Không những số lượng bệnh nhận lao thu nhận điều trị năm 2022 tăng đột biến so với những năm trở lại đây mà số lượng bệnh nhân nặng cũng tăng cao, rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi được điều trị tại bệnh viện Phổi đều có tổn thương phổi nặng nề, bệnh chuyển biến nặng hoặc lao phổi đi kèm với các bệnh mạn tính khác gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị và đặc biệt số lượng bệnh nhân lao phổi tăng cao ở đối tượng trẻ tuổi. Điều này là thách thức lớn cho Chương trình chống lao thành phố Đà Nẵng với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân lao được phát hiện muộn gây nguy cơ lây lan bệnh lao cho cộng đồng, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh lao.
Bệnh nhân được khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Trước nguy cơ bùng phát bệnh lao sau đại dịch COVID-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã và đang triển khai 3 giải pháp chính: Phát hiện thụ động thường quy tại các tuyến quận huyện với sự hỗ trợ của truyền thông giáo dục sức khỏe, huy động xã hội (ACSM); phát hiện, quản lý và điều trị lao tiềm ẩn; khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao bằng chiến lược 2X (X quang và Xpert). Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh. Chính vì vậy, công tác tăng cường sàng lọc chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao, phát hiện sớm và đưa vào điều trị để khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng. Qua đó, đồng thời tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao cho người dân.
Cuộc chiến với bệnh lao chưa bao giờ là dễ dàng và cần có sự quyết tâm, chung tay, hợp sức từ tất cả các ban ngành đoàn thể và mọi người dân trong cộng đồng để tiến tới mục tiêu: “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG BỆNH LAO”.
Bs. Trần Văn Tuấn và Bs. Hoàng Thị Diễm Hương Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...