Bệnh bạch hầu, uốn ván và những điều cần biết về vắc xin Td
Thứ năm - 03/11/2022 23:02
Để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc tiếp tục duy trì triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết. Việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) sẽ góp phần củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván, bảo vệ thành quả của loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.
Bệnh bạch hầu, uốn ván là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh. Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng ở các thể như bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản với các biểu hiện như có giả mạc thường màu trắng ngà hay trắng xám, dính chặt vào niêm mạc ở phía dưới, khi bóc dễ chảy máu, có xu hướng phát triển và lan rộng rất nhanh. Ngoài ra còn có hội chứng nhiễm độc, bệnh nhân lừ đừ, biếng ăn, da xanh, sổ mũi, nổi hạch cổ, hạch góc hàm làm cổ bạnh ra. Đặc biệt bạch hầu ở thanh quản có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ, biểu hiện trẻ khàn tiếng, khó thở và ngạt, khi đó trẻ lịm dần bất động, tím tái rồi tử vong. Ngoại độc tố vi khuẩn bạch hầu còn gây biến chứng liệt hầu họng làm trẻ khó nuốt dễ bị sặc, liệt các chi, rối loạn nhịp tim dễ tử vong vì truỵ tim mạch.
Uốn ván cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện co giật cứng toàn thân xảy ra sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn...). Khi co thắt các cơ hầu họng bệnh nhân khó nuốt, co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Đối với uốn ván sơ sinh, trẻ sơ sinh nào bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu, sau đó không bú trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 ngày và có các biểu hiện như: Trẻ bị co giật hoặc co cứng khi bị kích thích nhẹ như ánh sáng, tiếng động, khi sờ vào trẻ hoặc trẻ có dấu hiệu co cứng với bất kỳ các dấu hiệu như: cứng hàm, tay hoặc chân co quắp, môi mím chặt, lưng uốn cong. Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao. Tình hình bệnh bạch hầu và uốn ván sơ sinh tại Việt Nam
Số mắc bệnh bạch hầu trung bình hàng năm giai đoạn 2011-2017 giảm 44% so với giai đoạn 2004-2010, trong các năm 2004-2012 bệnh bạch hầu cơ bản được khống chế ở Việt Nam với số ca mắc trung bình hàng năm là 21 trường hợp.
Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2020 đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương. Năm 2013, dịch bạch hầu xảy ra ở tỉnh Gia Lai với 07 trường hợp mắc và dịch tiếp tục xuất hiện trong năm 2014 với 10 trường hợp mắc, năm 2015 có 9 trường hợp mắc. Năm 2016 ghi nhận dịch bạch hầu tại tỉnh Bình Phước và Kon Tum. Năm 2019 có 7 tỉnh báo cáo 53 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó dịch xảy ra tại 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Kon Tum. Năm 2020 ghi nhận 237 ca bạch hầu tại 10 tỉnh của 3 khu vực, trong đó có các ổ dịch tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mặc dù số mắc bạch hầu năm 2021 đã giảm song nguy cơ dịch bệnh quy trở lại là hiện hữu trong tình hình tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib và DPT4 tại nhiều tỉnh đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các trường hợp mắc bạch hầu được ghi nhận chủ yếu ở nhóm trẻ lớn (trên 10 tuổi) chiếm 67,8%, tiếp theo là trẻ 5-9 tuổi (20,5%), 1-4 tuổi (8,8%). Hầu hết các trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (69,3%). Ghi nhận 19,5% trường hợp tiêm chủng chưa đủ mũi và 11,2% đã tiêm đủ 4 mũi vẫn mắc bạch hầu.
Trong năm 2020-2021, các ca bệnh uốn ván sơ sinh vẫn xuất hiện rải rác tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận, nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh thấp và tỷ lệ trẻ đẻ tại nhà cao. Năm 2020 ghi nhận có 42 trường hợp uốn ván sơ sinh (trong đó có 11 trường hợp tử vong), huyện có tỷ lệ mắc cao trên 1/1.000 trẻ đẻ sống như Sìn Hồ (Lai Châu), Krông Nô và Đăk Glong (Đắk Nông), Bù Gia Mập (Bình Phước). Năm 2021 ghi nhận 25 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh (trong đó có 8 trường hợp tử vong) tại 22 huyện của 9 tỉnh, các huyện có tỷ lệ mắc cao như Phong Thổ và Nậm Nhùm (Lai Châu), Sông Mã (Sơn La). Mặc dù công tác điều trị uốn ván sơ sinh đã được cải thiện song uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng trong các năm gần đây, dao động từ 32%-33,3%.
Bệnh uốn ván ở trẻ lớn và người lớn: theo báo cáo của các địa phương hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc uốn ván ở trẻ em và người lớn. Cụ thể, trong năm 2020 ghi nhận 320 ca mắc tại 28 tỉnh/TP của cả 4 khu vực và năm 2021 có 182 ca mắc tại 25 tỉnh/TP. Tiếp tục duy trì triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ
Trong năm 2021 chỉ ghi nhận 6 ca bạch hầu. Tuy nhiên, trong số đó có chùm 5 ca bệnh tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và 1 trường hợp tại Gia Lai. Đồng thời vẫn ghi nhận tình trạng mắc uốn ván ở trẻ em và người lớn với số mắc hàng trăm ca mỗi năm, tiếp tục ghi nhận các trường hợp uốn ván sơ sinh. Bên cạnh đó, trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong TCMR giảm bao gồm vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván. Cụ thể, tỷ lệ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ em dưới 1 tuổi là 83,2% và DPT4 cho trẻ 18-24 tháng là 82,7%.
Vì vậy, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc tiếp tục duy trì triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết. Việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) sẽ góp phần củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván, bảo vệ thành quả của loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.
Qua theo dõi tại các địa phương cho thấy triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có nhiều thuận lợi, triển khai tiêm chủng vắc xin tại các trường học, hoạt động tiêm chủng vắc xin Td được sự phối hợp, hỗ trợ các thầy cô giáo. Hoạt động tiêm chủng đã được triển khai an toàn, không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Kết quả triển khai liên tục vắc xin Td trong 2 năm (2019, 2020) và tổ chức chiến dịch tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã giúp từng bước khống chế được dịch bạch hầu, giảm số mắc và tử vong.
Vắc xin Td có tính an toàn cao tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng thông thường sau tiêm như phản ứng tại chỗ (Đau, quầng đỏ, sưng nhẹ tại chỗ chiếm 10-75%), sốt nhẹ, đau cơ cánh tay, đau đầu (găp khoảng 10%), áp xe vô khuẩn (gặp 6-10 trường hợp/triệu liều), viêm dây thần kinh ngoại biên, Guillain- Barre (rất hiếm gặp),... Các phản ứng trên phần lớn thường nhẹ và tự khỏi. Trong chương trình tiêm chủng, có khoảng hơn 1 triệu liều vắc xin Td sử dụng cho công tác phòng chống dịch song không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, tạo miễn dịch tốt trong cộng đồng, đồng thời duy trì miễn dịch, bảo vệ trẻ lâu dài, các bậc phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhà trường và ngành y tế để đưa trẻ tới các điểm tiêm trên và đảm bảo cho tất cả các trẻ 7 tuổi đều được tiêm một mũi vắc xin Td trong chiến dịch để phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.