Khi động mạch chủ bụng bị phình: Nguy hiểm khó lường
Thứ ba - 18/10/2022 02:37
Động mạch chủ (ĐMC) bụng là động mạch chính chia ra các nhánh để nuôi dưỡng các tạng trong ổ bụng như: Gan, lách, thận, dạ dày, ruột… Đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh lý phình ĐMC bụng không được biết rõ, tuy nhiên đây thường là hậu quả của các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch… ở người lớn tuổi và một số ít trường hợp có liên quan đến nhiễm trùng. Người bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
TheoThS.BS. Ngô Gia Khánh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, phình ĐMC bụng là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%) khi có biến chứng vỡ khối phồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình ĐMC và lóc tách ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương... Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng, chụp phim tim phổi... Túi phình phát triển từ từ trong nhiều năm và không gây ra triệu chứng rõ rệt. Nếu người bệnh được phát hiện túi phình còn nhỏ và chưa có triệu chứng sẽ được khuyên đi kiểm tra đánh giá định kỳ. Thường dùng siêu âm để kiểm tra mỗi năm xem túi phình có lớn hơn không. Phẫu thuật thường được khuyến cáo trên những túi phình > 5,5 cm đường kính và những túi phình có kích thước lớn nhanh. Mục tiêu là thực hiện phẫu thuật sớm để giảm triệu chứng và biến chứng Phình động mạch càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Vỡ phình ĐMC bụng thực sự là một cấp cứu y khoa bởi nó có thể gây sốc và đột tử cho người bệnh. Nếu được cấp cứu kịp thời bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, bệnh nhân có thể được cứu sống như trường hợp dưới đây. Cuối tháng 9 vừa qua, cụ bà Võ T.B. (78 tuổi ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đột ngột đau bụng dữ dội quanh rốn mà không rõ nguyên nhân. Sau khi tới cấp cứu tạiBệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, bà B. được chuyển cấp cứu ra Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, qua thăm khám cho thấy bệnh nhân có phản ứng thành bụng, huyết áp tụt nên được nghi ngờ phình ĐMC bụng đã vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tim mạch, Ngoại tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh và Gây mê hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành hội chẩn, thống nhất chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện khối máu tụ sau phúc mạc rất lớn chiếm gần hết ổ bụng do phình ĐMC bụng vỡ. Bệnh nhân được mở khối máu tụ lấy ra máu cục và máu tươi khoảng 1.500ml. Tiếp đó, các bác sĩ vừa hồi sức truyền máu vừa phẫu thuật thay thế đoạn ĐMC bụng đã vỡ cho bệnh nhân. Sau gần 5 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, bệnh nhân sau đó hồi phục tốt. Cụ bà Võ T.B. sau phẫu thuật
BS CKII Phan Đình Thảo, phó trưởng Khoa Ngoại tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là trường hợp hết sức nguy kịch, có khả năng tử vong cao nếu đến bệnh viện chậm trễ. Đây là một trong những bệnh lý tối cấp cứu, tỷ lệ tử vong rất cao mặc dù đã được phẫu thuật. Nếu chẩn đoán không kịp thời để thực hiện phẫu thuật sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Sau khi đã được phẫu thuật, ThS.BS. Ngô Gia Khánh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý bệnh nhân cần có chế độ tập luyện nhẹ và làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Cụ thể như sau: - Tập luyện: Các bài tập thông thường như đi bộ đoạn ngắn kết hợp với nghỉ ngơi được khuyến khích ngay trong những tuần đầu sau mổ. - Tắm rửa: Khi vết mổ đã khô thì có thể tắm rửa bình thường, lưu ý vệ sinh lại vết thương. - Làm việc: Có thể trở về với công việc 6-12 tuần sau phẫu thuật. - Bê vác: Tránh bê vác các vật nặng trong 6 tuần đầu sau mổ. - Thuốc: Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng Aspirin dài ngày sau mổ. Đây là thuốc chống đông máu giúp duy trì mạch nhân tạo tránh tắc đồng thời giúp ổn định mảng xơ vữa. Lưu ý thuốc gây kích ứng dạ dày nên uống vào lúc no. Người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày hãy thông báo với bác sỹ. “Phình động mạch chủ bụng là bệnh lý rất nguy hiểm, ít gặp vì khối phình động mạch nằm sâu trong bụng. Bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng đau bụng mơ hồ trong suốt quá trình ủ bệnh, cho đến khi các triệu chứng đột ngột xuất hiện khi khối phình dọa vỡ hoặc vỡ. Đặc biệt, ở những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… cần lưu ý và nên đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm”, BS CKII Phan Đình Thảo, phó trưởng Khoa Ngoại tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo. Thanh Trà